MỘT GÓC NHÌN KHÁC VỀ NHỮNG THÁCH THỨC CHỜ ĐỢI CHÍNH PHỦ MỚI
Bùi Công Tự
Vừa qua GS Nguyễn Minh Thuyết và nhà nghiên cứu Phạm Chi Lan, mỗi người bằng cách nói riêng, đều đã đưa ra “năm thách thức” đối với chính phủ nhiệm kỳ II của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nội dung được đăng tải trên nhiều phương tiện thông tin, trong đó có Nguyễn Xuân Diện blog.
Tôi hoàn toàn tán thành ý kiến của hai vị học giả. Tuy nhiên nhận thấy do là bài trả lời phỏng vấn, nội dung phụ thuộc vào cách hỏi ý kiến của nhà báo, cho nên cả GS Nguyễn Minh Thuyết và bà Phạm Chi Lan đều chưa có điều kiện phân tích các nguyên nhân đưa đến những thách thức đó.
Tôi liên tưởng đến cách làm phim của các nhà điện ảnh. Khi quay phim, người ta đặt máy quay ở nhiều góc độ, xa gần khác nhau. Tôi cũng muốn từ một góc nhìn khác (với hai tác giả nói trên) để đưa ra những nhận định của mình đối với những thách thức của hiện tình đất nước đang chờ đợi tân chính phủ.
Những ý kiến của tôi được hệ thống thành “năm thách thức” như sau:
1-Thách thức thứ nhất là sự suy giảm lòng tin của nhân dân.
Điều này đã được nhiều người phản ánh, mới đây nhất là phát biểu của nhà sử học đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc tại Quốc hội ngày 6/8/2011.
Nỗi bức xúc của người dân có thể thấy ở khắp nơi, trong mọi giai tầng xã hội. Nguyên nhân làm cho dân chúng bất bình là tổng hợp tất cả những vấn nạn kinh tế xã hội càng ngày càng nhức nhối, chưa thấy có lối thoát. Người dân tự hỏi, không hiểu lãnh đạo tài giỏi thế nào, ổn định vĩ mô ra sao mà lạm phát nước ta giờ đây đang cao nhất châu Á, đứng thứ nhì thế giới. Giá cả tăng chóng mặt làm cho mâm cơm cũng bị xuống cấp. Trái khoáy là đến nông dân là người làm ra lúa gạo mà cũng bị đói.
Có nhận xét là sự mất lòng tin với lãnh đạo lại phổ biến hơn ở các tầng lớp trung lưu, các doanh nhân, trí thức, hưu trí, sinh vên. Tầng lớp này có thể không khó khăn lắm về đời sống vật chất nhưng họ có nhu cầu đòi hỏi cao hơn về những quyền tự do dân chủ. Họ không chấp nhận sự trì trệ quá dài cũng như họ trăn trở trước nguy cơ mất độc lập chủ quyền của đất nước.
Trả lời phỏng vấn của báo Vietnamnet mới đây, GS Nguyễn Minh Thuyết nói: ”Lúc này lúc khác, đã có hiện tượng dân chưa thật tin vào lãnh đạo và ngược lại, lãnh đạo cũng chưa thật tin vào dân. Nếu không khắc phục được hiện tượng này thì làm sao củng cố được khối đại đoàn kết dân tộc”.
Tôi xin bổ sung thêm là: Nếu chính quyền để mất lòng tin của dân thì mục tiêu “chính trị - xã hội ổn định” đã đề ra cũng không thể thực hiện được.
Tất nhiên không phải chính quyền mong muốn ổn định để phát triển mà nhân dân lại càng mong muốn ổn định để làm ăn. Dân như rừng cây, mà cây thì bao giờ cũng mong gió lặng. Tuy nhiên đôi khi sự mất ổn định lại không phải gây ra từ phía dân chúng.
2-Thách thức thứ hai là một bộ máy nhà nước cồng kềnh, kém hiệu quả:
Chính phủ khóa XIII có 22 bộ trưởng, trong đó có 15 vị là người mới được bổ nhiệm lần đầu. Chúng ta có câu “tân quan tân chính sách” có nhân sự mới chắc là có cách làm việc mới, đường lối mới. Đó là điều chúng ta chờ đợi.
Hiện nay đã xây dựng chính phủ điện tử. Máy tính giúp xử lí công việc hành chính, văn phòng nhanh hơn rất nhiều. Nhưng vấn đề không phải ở chỗ máy móc mà là ở chỗ cái đầu con người, nhất là người đứng đầu. Tức là chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức ra sao ? Có ý kiến nhận xét (chưa được kiểm chứng) là phần đông quan chức của ta là “quan chức trục lợi”. Tức là họ làm việc không phải vì nhiệm vụ, trách nhiệm với nhân dân mà là vì lợi ích riêng của họ. Vì thế tham nhũng trở thành quốc nạn. Đó cũng là hệ lụy của tình trạng mua quan bán chức, phe nhóm bè cánh, “con cháu các cụ cả”.
Báo Tuổi trẻ ngày 21/7/2011 đưa tin một vị thứ trưởng bộ Tài nguyên môi trường, đã phê bình nhiều đơn vị, đặc biệt là lãnh đạo đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong bộ không thực hiện nghiêm chinh kỷ cương công việc, buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, thiếu quan tâm đến công việc của ngành.
Tôi cho rằng đó là tình trạng chung ở nhiều bộ ngành chứ không chi riêng bộ Tài nguyên môi trường. Vì thế mới có chuyện thiếu kiểm tra, giám sát, hiện tượng đùn đẩy nhiệm vụ và trách nhiệm. Nhiều sai phạm không được uốn nắn, răn đe từ sớm, đến khi vỡ lở thì đã thất thoát của công quỹ nhiều ngàn tỷ đồng (như ở ngân hàng NN và PTNT, ở Công ty cho thuê tài chính ….). Nhiều hiện tượng rất cần sự can thiệp của nhà nước nhưng không thấy ai ra tay, chỉ đến khi báo chí báo động thì mới nhúc nhắc mà cũng chẳng giải quyết ra ngô ra khoai (ví dụ chuyện lao động người Trung Quốc không có giấy phép ở khắp nơi). Nhiều chủ trương, chính sách ban hành không kịp thời hoặc phi thực tế, bị phê phán. Đặc biệt là sự vi phạm pháp luật phổ biến và nghiêm trọng của chính những người trong ngành pháp luật.
Hậu quả là gì ?
Là một nền kinh tế được báo cáo là tăng trưởng nhưng nếu đem cân đối với lạm phát thì các chuyên gia nói rằng thực chất là tăng trưởng âm. Nó thể hiện ở các con số thua lỗ, nợ nần kéo dài, nhập siêu lớn, bội chi ngân sách, giá cả tăng cao, ….
Vụ Vinashin với khoản thất thoát 4-5 tỉ USD chi là trường hợp “một đồng chí bị lộ” mà thôi.
Đồng tiền thuế của người dân đóng góp còn phải nuôi nhiều loại cơ quan ban bệ mà dư luận cho rằng nếu giải tán các cơ quan ấy đi thì chẳng những không phương hại gì mà lại còn lợi ích hơn cho xã hội.
Lại có chuyện nhiều khi lãnh đạo đưa ra những cách ứng xử ở tầm thấp gây bất bình cho nhân dân nghĩ rằng những bộ óc của quốc gia quá lười suy nghĩ.
Vượt qua thách thức thứ hai này tức là chính phủ phải vượt qua chính mình.
3-Thách thức thứ ba là sự chi phối của các nhóm lợi ích vào hoạt động của chính phủ.
Các nhóm lợi ích ở đây bao gồm những người thân cận với lãnh đạo, các tập đoàn kinh tế (cả nhà nước và tư nhân). Về thách thức này, tôi xin trích dẫn dưới đây nhận định của TS Lê Đăng Doanh, nhà nghiên cứu kinh tế hàng đầu của nước ta, trong bài trả lời phỏng vấn đài BBC ngày 22/7/2011, để bạn đọc tham khảo:
“Đó là các đại gia tư nhân, các nhóm lợi ích có thể ảnh hưởng đến các chính sách và những quyết định. Ví dụ người ta nói quyết định mở rộng Hà Nội không do thành ủy, ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội khởi xướng, mà do một nhóm đại gia nào đấy đã có tính toán về việc mở rộng đất đai, gia đất sẽ lên và đã khởi xướng dẫn đến những quyết định như vậy”.
“Người ta cũng nói là quyết định đầu tư ở chỗ này, chỗ kia, ở sau lưng đó, đều có các đại gia tác động vào đấy. Tức là chính phủ áp dụng những cơ chế chính sách để phù hợp và đáp ứng lợi ích của một nhóm rất nhỏ chứ không tính đến lợi ích của đa số người dân”.
Sự câu kết nói trên cũng là nguyên nhân và cơ hôi cho những ca tham nhũng lớn, làm mục ruỗng đất nước, làm cho chính phủ đi chệch những mục tiêu tốt đẹp
4-Thách thức thứ tư là sự xuống cấp về văn hóa – giáo dục, y tế xã hội và sự gia tăng tội phạm.
Khi đọc các trí thức lớn đồng thời là những nhà yêu nước như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Khắc Viện, Hoàng Ngọc Hiến, … tôi thấy các học giả quan tâm lo lắng rất nhiều về nền văn hóa dân tộc, không chi là văn chương, lịch sử, ngôn ngữ, phong tục, minh triết mà còn là vấn đề đạo đức xã hội và tương lai nòi giống.
Nhiều nhận xét nói rằng hệ thống giáo dục hiện nay là phi giáo dục, làm lệch lạc nhân cách, không đào tạo được cả nghề nghiệp cho thanh niên nói gì đến đào tạo nhân tài.
Ngành y tế tuy đó đây vẫn còn có người nhân đức nhưng số người thờ ơ với bệnh nhân, chi tìm cách moi tiền của bệnh nhân là số đông. Nếu bạn nhiều tiền thì dù chi nhức đầu sổ mũi cũng cho chụp cắt lớp, cộng hưởng từ. Nếu bạn nghèo khó thì khỏi phải nói số phận thế nào.
Về văn hóa có nguy cơ là người Việt quên hết quá khứ của dân tộc. Nền văn hóa cha ông bền bỉ âm thầm tạo dựng mấy nghìn năm có nguy cơ biến mất. Vấn đề này trừu tượng lắm, không biết ông bộ trưởng Văn hóa có nghĩ đến không?
Năm 1924, trong một bài viết về Nguyễn Ái Quốc, một nhà báo nước ngoài đã cho rằng Nguyễn Ái Quốc báo hiệu cho một nền văn hóa của tương lai.
Như thế mà hậu duệ của người lại có thể vô văn hóa ư ?
Nên nhớ rằng một quốc gia chi có thể được thế giới tôn trọng khi quốc gia đó có một nền văn hóa đáng nể.
5-Thách thức thứ năm là vấn đề quan hệ với Trung Quốc:
Đây là vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ lãnh hải, vấn đề thoát ra khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc về nhiều phương diện.
Tôi vui mừng thấy chính phủ khóa XII đã mua được một số máy bay, tàu ngầm và các khí tài hiện đại hóa quân đội. Dã tâm tham lam của Trung Quốc trên biển Đông buộc chúng ta phải tăng cường vũ trang để bảo vệ Tổ quốc. Tôi cũng biết rằng tinh thần của chiến sĩ ta rất cao.
Chính phủ mới cần đấu tranh kiên quyết hơn trên mặt trận ngoại giao với Trung Quốc về vấn đề biển Đông.
Chỗ dựa của chính phủ là:
- Lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết của nhân dân
- Sức mạnh kinh tế và quốc phòng
- Các luật pháp quốc tế
- Sự liên kết với các nước trong khu vực và thế giới
Điều đầu tiên cũng là điều cuối cùng là phải luôn luôn cảnh giác với mọi âm mưu và hành động của Trung Quốc. Trong khi tuyên bố hòa bình hữu nghị thì ở chỗ này chỗ kia họ vẫn rêu rao cần dạy tiếp cho Việt Nam bài học.
Tôi xin nhắn gửi đến ông bộ trưởng Ngoại giao một điều là dù chiến lược ngoại giao như thế nào cũng không được phép làm mất thể diện dân tộc.
Kết luận
Tình hình đất nước đang đặt lên vai ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các vị trong chính phủ khóa XIII một trách nhiệm nặng nề. Các vị đã không ngại vất vả tự nguyện gánh vác và đã gửi lời hứa đến quốc dân đồng bào.
Chúng tôi biết rằng các vị cũng xương thịt con người, cũng chỉ bấy nhiêu nơ-ron thần kinh như chúng tôi thôi, cho nên để hoàn thành trọng trách thì các vị phải lao tâm khổ tứ nhiều lắm, chứ chẳng sung sướng gì.
Nhân dân mong các vị đặt Tổ quốc lên trên gia đình, đặt cái chung lên trên cái riêng, đặt cái danh lên trên cái lợi.
Nhân dân có quyền đòi hỏi các vị như thế vì ở vào cương vị cao nhất của đất nước thì dứt khoát phải là những người có nhân cách như thế.
Thật ra nhân dân còn mong muốn nhiều hơn.
Vì chủ đề của bài viết là các thách thức cho nên tác giả chi nói đến những bất cập. Phải thanh minh như thế để bạn đọc khỏi quy kết tác giả nhìn đời bằng con mắt đen tối. Ở U70 mà vẫn múa bút là còn yêu cuộc đời này lắm đó. Mong được bạn đọc trao đổi thêm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét