Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

Các nghị định 158.176,178,179/2013/NĐ-CP. tháng 11.2013.

1. Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.
a) Hiệu lực thi hành: Ngày 01/01/2014.
Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, các nghị định sau đây hết hiệu lực thi hành: Nghị định số 75/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa; Nghị định số 16/2012/NĐ-CP ngày 12/3/2012 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; Nghị định số 37/2012/NĐ-CP ngày 24/4/2012 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể dục, thể thao.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để khắc phục những hạn chế, bất cập của quy định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các quy định khác của pháp luật có liên quan, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 5 chương, 86 điều, quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.
Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch là 50.000.000 đồng, trong lĩnh vực quảng cáo là 100.000.000 đồng.
Đối với cùng một hành vi vi phạm, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
 2.Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
a) Hiệu lực thi hành: Ngày 31/12/2013.
Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, các Nghị định sau đây hết hiệu lực thi hành: Nghị định số 45/2005/NĐ-CP ngày 06/4/2005 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; Nghị định số 114/2006/NĐ-CP ngày 03/10/2006 quy định xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em; Nghị định số 69/2011/NĐ-CP ngày 08/8/2011 quy định xử phạt vi phạm hành chính về y tế dự phòng, môi trường y tế và phòng, chống HIV/AIDS; Nghị định số 92/2011/NĐ-CP ngày 17/10/2011 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm y tế; Nghị định số 93/2011/NĐ-CP ngày 18/10/2011 quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuốc, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế; Nghị định số 96/2011/NĐ-CP ngày 21/10/2011 quy định xử phạt vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh.
Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế xảy ra trước khi Nghị định này có hiệu lực mà sau đó mới bị phát hiện hoặc xem xét, giải quyết thì áp dụng các quy định có lợi cho tổ chức, cá nhân vi phạm.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để khắc phục những hạn chế, bất cập của quy định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và pháp luật chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực y tế, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 4 chương, 97 điều, quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Mức phạt tiền ti đa đối với cá nhân vi phạm hành chính về dân số là 30.000.0000 đồng; về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS là 50.000.000 đồng; về bảo hiểm y tế là 75.000.000 đồng; về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế là 100.000.000 đồng.
Đối với cùng một hành vi vi phạm, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
a) Hiệu lực thi hànhNgày 31/12/2013.
Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, Nghị định số 91/2012/NĐ-CP ngày 08/11/2012 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm hết hiệu lực.
Các hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng các quy định có lợi cho cá nhân, tổ chức vi phạm.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để khắc phục những hạn chế, bất cập của quy định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và pháp luật chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 4 chương, 40 điều quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
Nghị định được áp dụng đối với: (1) Cá nhân, tổ chức Việt Nam; cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm trên lãnh thổ Việt Nam; (2) Người có thẩm quyền lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính và các cá nhân, tổ chức khác có liên quan.
Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức.
Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
29. Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
a) Hiệu lực thi hành: Ngày 30/12/2013.
Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hànhNghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 30/12/2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường hết hiệu lực.
Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được thực hiện hoặc phát hiện trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng chưa lập biên bản vi phạm hành chính thì xử phạt theo quy định của Nghị định này.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để khắc phục những hạn chế, bất cập của quy định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và pháp luật chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trườngđáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 5 chương, 74 điều, (kèm theo Phụ lục danh mục một số mẫu biên bản, quyết định sử dụng trong xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trườngquy định về: (1) Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hình thức xử phạt, mức phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả; (2) Thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng hình thức xử lý buộc di dời, cấm hoạt động đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; (3) Công bố công khai thông tin về vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của cơ sở và khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp tập trung; (4) Các biện pháp cưỡng chế, thẩm quyền, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định đình chỉ hoạt động; quyết định buộc di dời, cấm hoạt động đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định là cá nhân, tổ chức trong nước và cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức.
Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.