Thứ Năm, 11 tháng 8, 2011

BÙI CÔNG TỰ: NHỮNG THÁCH THỨC ĐANG CHỜ ĐỢI CHÍNH PHỦ MỚI




MỘT GÓC NHÌN KHÁC VỀ NHỮNG THÁCH THỨC CHỜ ĐỢI CHÍNH PHỦ MỚI

Bùi Công Tự


Vừa qua GS Nguyễn Minh Thuyết và nhà nghiên cứu Phạm Chi Lan, mỗi người bằng cách nói riêng, đều đã đưa ra “năm thách thức” đối với chính phủ nhiệm kỳ II của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nội dung được đăng tải trên nhiều phương tiện thông tin, trong đó có Nguyễn Xuân Diện blog.

Tôi hoàn toàn tán thành ý kiến của hai vị học giả. Tuy nhiên nhận thấy do là bài trả lời phỏng vấn, nội dung phụ thuộc vào cách hỏi ý kiến của nhà báo, cho nên cả GS Nguyễn Minh Thuyết và bà Phạm Chi Lan đều chưa có điều kiện phân tích các nguyên nhân đưa đến những thách thức đó.

Tôi liên tưởng đến cách làm phim của các nhà điện ảnh. Khi quay phim, người ta đặt máy quay ở nhiều góc độ, xa gần khác nhau. Tôi cũng muốn từ một góc nhìn khác (với hai tác giả nói trên) để đưa ra những nhận định của mình đối với những thách thức của hiện tình đất nước đang chờ đợi tân chính phủ.

Những ý kiến của tôi được hệ thống thành “năm thách thức” như sau:

1-Thách thức thứ nhất là sự suy giảm lòng tin của nhân dân.

Điều này đã được nhiều người phản ánh, mới đây nhất là phát biểu của nhà sử học đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc tại Quốc hội ngày 6/8/2011.

Nỗi bức xúc của người dân có thể thấy ở khắp nơi, trong mọi giai tầng xã hội. Nguyên nhân làm cho dân chúng bất bình là tổng hợp tất cả những vấn nạn kinh tế xã hội càng ngày càng nhức nhối, chưa thấy có lối thoát. Người dân tự hỏi, không hiểu lãnh đạo tài giỏi thế nào, ổn định vĩ mô ra sao mà lạm phát nước ta giờ đây đang cao nhất châu Á, đứng thứ nhì thế giới. Giá cả tăng chóng mặt làm cho mâm cơm cũng bị xuống cấp. Trái khoáy là đến nông dân là người làm ra lúa gạo mà cũng bị đói.

Có nhận xét là sự mất lòng tin với lãnh đạo lại phổ biến hơn ở các tầng lớp trung lưu, các doanh nhân, trí thức, hưu trí, sinh vên. Tầng lớp này có thể không khó khăn lắm về đời sống vật chất nhưng họ có nhu cầu đòi hỏi cao hơn về những quyền tự do dân chủ. Họ không chấp nhận sự trì trệ quá dài cũng như họ trăn trở trước nguy cơ mất độc lập chủ quyền của đất nước.

Trả lời phỏng vấn của báo Vietnamnet mới đây, GS Nguyễn Minh Thuyết nói: ”Lúc này lúc khác, đã có hiện tượng dân chưa thật tin vào lãnh đạo và ngược lại, lãnh đạo cũng chưa thật tin vào dân. Nếu không khắc phục được hiện tượng này thì làm sao củng cố được khối đại đoàn kết dân tộc”.

Tôi xin bổ sung thêm là: Nếu chính quyền để mất lòng tin của dân thì mục tiêu “chính trị - xã hội ổn định” đã đề ra cũng không thể thực hiện được.

Tất nhiên không phải chính quyền mong muốn ổn định để phát triển mà nhân dân lại càng mong muốn ổn định để làm ăn. Dân như rừng cây, mà cây thì bao giờ cũng mong gió lặng. Tuy nhiên đôi khi sự mất ổn định lại không phải gây ra từ phía dân chúng.

2-Thách thức thứ hai là một bộ máy nhà nước cồng kềnh, kém hiệu quả:

Chính phủ khóa XIII có 22 bộ trưởng, trong đó có 15 vị là người mới được bổ nhiệm lần đầu. Chúng ta có câu “tân quan tân chính sách” có nhân sự mới chắc là có cách làm việc mới, đường lối mới. Đó là điều chúng ta chờ đợi.

Hiện nay đã xây dựng chính phủ điện tử. Máy tính giúp xử lí công việc hành chính, văn phòng nhanh hơn rất nhiều. Nhưng vấn đề không phải ở chỗ máy móc mà là ở chỗ cái đầu con người, nhất là người đứng đầu. Tức là chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức ra sao ? Có ý kiến nhận xét (chưa được kiểm chứng) là phần đông quan chức của ta là “quan chức trục lợi”. Tức là họ làm việc không phải vì nhiệm vụ, trách nhiệm với nhân dân mà là vì lợi ích riêng của họ. Vì thế tham nhũng trở thành quốc nạn. Đó cũng là hệ lụy của tình trạng mua quan bán chức, phe nhóm bè cánh, “con cháu các cụ cả”.

Báo Tuổi trẻ ngày 21/7/2011 đưa tin một vị thứ trưởng bộ Tài nguyên môi trường, đã phê bình nhiều đơn vị, đặc biệt là lãnh đạo đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong bộ không thực hiện nghiêm chinh kỷ cương công việc, buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, thiếu quan tâm đến công việc của ngành.

Tôi cho rằng đó là tình trạng chung ở nhiều bộ ngành chứ không chi riêng bộ Tài nguyên môi trường. Vì thế mới có chuyện thiếu kiểm tra, giám sát, hiện tượng đùn đẩy nhiệm vụ và trách nhiệm. Nhiều sai phạm không được uốn nắn, răn đe từ sớm, đến khi vỡ lở thì đã thất thoát của công quỹ nhiều ngàn tỷ đồng (như ở ngân hàng NN và PTNT, ở Công ty cho thuê tài chính ….). Nhiều hiện tượng rất cần sự can thiệp của nhà nước nhưng không thấy ai ra tay, chỉ đến khi báo chí báo động thì mới nhúc nhắc mà cũng chẳng giải quyết ra ngô ra khoai (ví dụ chuyện lao động người Trung Quốc không có giấy phép ở khắp nơi). Nhiều chủ trương, chính sách ban hành không kịp thời hoặc phi thực tế, bị phê phán. Đặc biệt là sự vi phạm pháp luật phổ biến và nghiêm trọng của chính những người trong ngành pháp luật.

Hậu quả là gì ?

Là một nền kinh tế được báo cáo là tăng trưởng nhưng nếu đem cân đối với lạm phát thì các chuyên gia nói rằng thực chất là tăng trưởng âm. Nó thể hiện ở các con số thua lỗ, nợ nần kéo dài, nhập siêu lớn, bội chi ngân sách, giá cả tăng cao, ….

Vụ Vinashin với khoản thất thoát 4-5 tỉ USD chi là trường hợp “một đồng chí bị lộ” mà thôi.

Đồng tiền thuế của người dân đóng góp còn phải nuôi nhiều loại cơ quan ban bệ mà dư luận cho rằng nếu giải tán các cơ quan ấy đi thì chẳng những không phương hại gì mà lại còn lợi ích hơn cho xã hội.

Lại có chuyện nhiều khi lãnh đạo đưa ra những cách ứng xử ở tầm thấp gây bất bình cho nhân dân nghĩ rằng những bộ óc của quốc gia quá lười suy nghĩ.

Vượt qua thách thức thứ hai này tức là chính phủ phải vượt qua chính mình.

3-Thách thức thứ ba là sự chi phối của các nhóm lợi ích vào hoạt động của chính phủ.

Các nhóm lợi ích ở đây bao gồm những người thân cận với lãnh đạo, các tập đoàn kinh tế (cả nhà nước và tư nhân). Về thách thức này, tôi xin trích dẫn dưới đây nhận định của TS Lê Đăng Doanh, nhà nghiên cứu kinh tế hàng đầu của nước ta, trong bài trả lời phỏng vấn đài BBC ngày 22/7/2011, để bạn đọc tham khảo:

“Đó là các đại gia tư nhân, các nhóm lợi ích có thể ảnh hưởng đến các chính sách và những quyết định.  Ví dụ người ta nói quyết định mở rộng Hà Nội không do thành ủy, ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội khởi xướng, mà do một nhóm đại gia nào đấy đã có tính toán về việc mở rộng đất đai, gia đất sẽ lên và đã khởi xướng dẫn đến những quyết định như vậy”.

“Người ta cũng nói là quyết định đầu tư ở chỗ này, chỗ kia, ở sau lưng đó, đều có các đại gia tác động vào đấy. Tức là chính phủ áp dụng những cơ chế chính sách để phù hợp và đáp ứng lợi ích của một nhóm rất nhỏ chứ không tính đến lợi ích của đa số người dân”.

Sự câu kết nói trên cũng là nguyên nhân và cơ hôi cho những ca tham nhũng lớn, làm mục ruỗng đất nước, làm cho chính phủ đi chệch những mục tiêu tốt đẹp

4-Thách thức thứ tư là sự xuống cấp về văn hóa – giáo dục, y tế xã hội và sự gia tăng tội phạm.

Khi đọc các trí thức lớn đồng thời là những nhà yêu nước như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Khắc Viện, Hoàng Ngọc Hiến, … tôi thấy các học giả quan tâm lo lắng rất nhiều về nền văn hóa dân tộc, không chi là văn chương, lịch sử, ngôn ngữ, phong tục, minh triết mà còn là vấn đề đạo đức xã hội và tương lai nòi giống.

Nhiều nhận xét nói rằng hệ thống giáo dục hiện nay là phi giáo dục, làm lệch lạc nhân cách, không đào tạo được cả nghề nghiệp cho thanh niên nói gì đến đào tạo nhân tài.

Ngành y tế tuy đó đây vẫn còn có người nhân đức nhưng số người thờ ơ với bệnh nhân, chi tìm cách moi tiền của bệnh nhân là số đông. Nếu bạn nhiều tiền thì dù chi nhức đầu sổ mũi cũng cho chụp cắt lớp, cộng hưởng từ. Nếu bạn nghèo khó thì khỏi phải nói số phận thế nào.

Về văn hóa có nguy cơ là người Việt quên hết quá khứ của dân tộc. Nền văn hóa cha ông bền bỉ âm thầm tạo dựng mấy nghìn năm có nguy cơ biến mất. Vấn đề này trừu tượng lắm, không biết ông bộ trưởng Văn hóa có nghĩ đến không?

Năm 1924, trong một bài viết về Nguyễn Ái Quốc, một nhà báo nước ngoài đã cho rằng Nguyễn Ái Quốc báo hiệu cho một nền văn hóa của tương lai.

Như thế mà hậu duệ của người lại có thể vô văn hóa ư ?

Nên nhớ rằng một quốc gia chi có thể được thế giới tôn trọng khi quốc gia đó có một nền văn hóa đáng nể.

5-Thách thức thứ năm là vấn đề quan hệ với Trung Quốc:

Đây là vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ lãnh hải, vấn đề thoát ra khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc về nhiều phương diện.

Tôi vui mừng thấy chính phủ khóa XII đã mua được một số máy bay, tàu ngầm và các khí tài hiện đại hóa quân đội. Dã tâm tham lam của Trung Quốc trên biển Đông buộc chúng ta phải tăng cường vũ trang để bảo vệ Tổ quốc. Tôi cũng biết rằng tinh thần của chiến sĩ ta rất cao.

Chính phủ mới cần đấu tranh kiên quyết hơn trên mặt trận ngoại giao với Trung Quốc về vấn đề biển Đông.

Chỗ dựa của chính phủ là:

-         Lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết của nhân dân
-         Sức mạnh kinh tế và quốc phòng
-         Các luật pháp quốc tế
-         Sự liên kết với các nước trong khu vực và thế giới

Điều đầu tiên cũng là điều cuối cùng là phải luôn luôn cảnh giác với mọi âm mưu và hành động của Trung Quốc. Trong khi tuyên bố hòa bình hữu nghị thì ở chỗ này chỗ kia họ vẫn rêu rao cần dạy tiếp cho Việt Nam bài học.

Tôi xin nhắn gửi đến ông bộ trưởng Ngoại giao một điều là dù chiến lược ngoại giao như thế nào cũng không được phép làm mất thể diện dân tộc.

Kết luận

Tình hình đất nước đang đặt lên vai ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các vị trong chính phủ khóa XIII một trách nhiệm nặng nề. Các vị đã không ngại vất vả tự nguyện gánh vác và đã gửi lời hứa đến quốc dân đồng bào.

Chúng tôi biết rằng các vị cũng xương thịt con người, cũng chỉ bấy nhiêu nơ-ron thần kinh như chúng tôi thôi, cho nên để hoàn thành trọng trách thì các vị phải lao tâm khổ tứ nhiều lắm, chứ chẳng sung sướng gì.

Nhân dân mong các vị đặt Tổ quốc lên trên gia đình, đặt cái chung lên trên cái riêng, đặt cái danh lên trên cái lợi.

Nhân dân có quyền đòi hỏi các vị như thế vì ở vào cương vị cao nhất của đất nước thì dứt khoát phải là những người có nhân cách như thế.

Thật ra nhân dân còn mong muốn nhiều hơn.

Vì chủ đề của bài viết là các thách thức cho nên tác giả chi nói đến những bất cập. Phải thanh minh như thế để bạn đọc khỏi quy kết tác giả nhìn đời bằng con mắt đen tối. Ở U70 mà vẫn múa bút là còn yêu cuộc đời này lắm đó. Mong được bạn đọc trao đổi thêm.


*Bài viết do tác giả Bùi Công Tự gửi trực tiếp NXD-Blog. 
Xin chân thành cảm ơn tác giả!

BÀ PHẠM CHI LAN: 5 THÁCH THỨC ĐẶT RA VỚI CHÍNH PHỦ MỚI



5 thách thức đặt ra với Chính phủ mới
Bất ổn kinh tế vĩ mô, tham nhũng, nhóm lợi ích, chênh lệch giàu nghèo và chủ quyền là 5 thách thức cần Chính phủ giải quyết trong nhiệm kỳ mới để đưa đất nước vượt qua vùng "nguy hiểm", theo chuyên gia Phạm Chi Lan.

> Tìm lời giải cho bài toán kinh tế Việt Nam
> Kỳ vọng vào quyết sách của lãnh đạo mới

Với kinh nghiệm hàng chục năm làm kinh tế, gắn bó cùng doanh nghiệp và tư vấn chính sách cho Chính phủ, bà Phạm Chi Lan chia sẻ với VnExpress.net kỳ vọng của mình về Thủ tướng và bộ máy điều hành mới.
Chuyên gia Phạm Chi Lan:
Chuyên gia Phạm Chi Lan: "Thập kỷ tới là thời gian vô cùng thách thức với Chính phủ và Quốc hội". Ảnh: T.T.
"Tôi cho rằng nhiệm kỳ 5 năm tới của Chính phủ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với vận mệnh của đất nước. Cũng vì thế mà nhiệm vụ và thách thức với Thủ tướng cũng như bộ máy điều hành mới vô cùng nặng nề.
Thách thức lớn nhất trong nhiệm kỳ mới chính là bất ổn kinh tế vĩ mô, thể hiện ở lạm phát, nhập siêu, nợ công, quản lý các tập đoàn nhà nước... Nếu không giải quyết được ngay trong 5 năm tới chúng ta khó lòng hoàn thành mục tiêu cho cả 10 năm. Một vị cựu Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới từng khuyến cáo Việt Nam sau khi thoát bẫy nghèo có thể tiến tới "vùng nguy hiểm" trong thập kỷ này. Vùng nguy hiểm được ông ấy phân tích chính là việc chúng ta vừa thoát khỏi nước nghèo và bắt đầu đặt chân vào mức thu nhập trung bình thấp, nếu không vượt qua được sẽ lại rơi vào điểm nghèo hoặc vướng ở mốc thu nhập trung bình thấp trong thời gian rất dài. Nếu như vậy, Việt Nam sẽ không thể hóa rồng mà chỉ ngấp nghé như Malaysia hay Thái Lan hiện nay mà thôi. 

Suốt 4 năm qua, kinh tế của chúng ta luôn trong tình trạng bất ổn. Ngoại trừ năm 2007, ngay sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mọi thứ đều thuận lợi, nhưng những năm sau đó khó khăn chất chồng. 2008 thì bất ổn vĩ mô nặng nề, lạm phát phi mã, nhập siêu cũng cao đỉnh điểm. Bước sang 2009 thì kinh tế suy giảm, doanh nghiệp khốn đốn, tăng trưởng không âm như các nước nhưng ở mức thấp kỷ lục. Đến năm 2010, tình hình cũng không tốt đẹp. Năm nay lạm phát lại cao, và những bất ổn vĩ mô thậm chí còn nghiêm trọng hơn cả năm 2008.

Khi kinh tế khó khăn, Chính phủ đã đưa ra các giải pháp tương đối cơ bản để ổn định vĩ mô, nhưng quá trình thực hiện chưa triệt để nên hiệu quả chưa cao. Chẳng hạn đầu 2008 chúng ta đưa ra 8 nhóm giải pháp quyết liệt chống lạm phát, ổn định vĩ mô, nhưng đến cuối năm xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu chúng ta lại bắt đầu thiên nhiều hơn về tăng trưởng, để rồi phải đưa ra các gói kích thích kinh tế hàng tỷ đôla. Cái giá để chống suy giảm như vậy quá đắt, hơn nữa nó lại thủ tiêu những nỗ lực thắt chặt, bình ổn trước đó. 

Năm nay cũng vậy, Nghị quyết 11 là ví dụ điển hình của việc đưa ra giải pháp trúng nhưng chưa được thực hiện triệt để, hiện mới tập trung nhiều ở lĩnh vực tín dụng. Thực hiện thắt chặt tín dụng cũng còn méo mó. Lẽ ra cần kiểm soát những lĩnh vực nóng như bất động sản, chứng khoán. Nhưng chúng ta lại thắt đại trà ở mọi lĩnh vực, mọi loại hình doanh nghiệp, mọi ngân hàng, cho dù Chính phủ đã có chủ trương ưu tiên vốn cho nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho xuất khẩu, để rồi nhiều doanh nghiệp nguy cơ chết oan.

Tuyên bố trong kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ cũ cho thấy Chính phủ đã nhận thấy những điểm chưa được trong quá trình triển khai 6 nhóm giải pháp vừa qua. Hy vọng, Chính phủ mới sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp này với tinh thần cương quyết hơn, đồng bộ hơn. Khi dùng các giải pháp mạnh để ổn định kinh tế vĩ mô ắt sẽ có nhiều lời kêu than. Nhưng tôi tin Chính phủ đủ công minh để xem xét đâu là than vãn đáng nghe, lời kêu đáng cứu. Tôi cũng tin Chính phủ có đủ năng lực quản lý, lắng nghe và sàng lọc những người có đủ năng lực điều hành kinh tế. Không thể để nền kinh tế của 86 triệu người bị ảnh hưởng bởi một vài người không đủ năng lực.

Thách thức thứ hai chính là tham nhũng. Luật Phòng chống tham nhũng được ban hành trong nhiệm kỳ Chính phủ vừa rồi, nhưng như một vị lãnh đạo cấp cao đã thừa nhận việc chống tham nhũng còn ít so với mong đợi và còn nhiều khó khăn trước mắt.

Tham nhũng hiện nay biến tướng phức tạp ở quy mô rộng hơn, tham lam hơn, làm thất thoát tài sản của dân nhiều hơn. Trong lịch sử chưa có vụ thất thoát nào lớn như Vinashin. Riêng chuyện nợ nần dây dưa giữa hai tập đoàn nhà nước là Petrovietnam và EVN đã lên tới hàng nghìn tỷ đồng. 

Bên cạnh đó còn có tham nhũng đất đai, tài nguyên thiên nhiên gây khiếu kiện kéo dài.

Tham nhũng sẽ làm lãng phí tài nguyên, nguồn lực của đất nước và về lâu dài sẽ đe dọa tăng trưởng kinh tế. Tham nhũng cũng sẽ làm xói mòn lòng tin của dân trong nước cũng như cộng đồng nhà đầu tư quốc tế. Muốn có tăng trưởng phải có nguồn lực, nhưng nếu nguồn lực bị lợi dụng, bị tham nhũng thì người dân sẽ không còn nhiệt huyết tham gia đóng góp nữa. Nhà đầu tư nước ngoài sau nhiều năm im lặng thì nay họ đã phải nói thẳng ra quan ngại của họ về vấn nạn tham nhũng. 

Bất bình đẳng gia tăng cũng là một thách thức mà theo tôi Quốc hội và Chính phủ nhiệm kỳ tới sẽ phải "nhức đầu" nhiều, phải cố gắng lo sao cho giảm bớt bức xúc của người dân. Điều này thực sự rất đáng tiếc. Trong suốt 25 năm đổi mới, Việt Nam được đánh giá cao về việc vừa tăng trưởng, vừa xóa đói giảm nghèo. Xóa đói giảm nghèo xét ở một góc độ nào đó có ý nghĩa như việc thu hẹp bất bình đẳng trong xã hội. 

Bất bình đẳng lớn nhất hiện nay chính là thu nhập. Điều tra mức sống trong dân của Bộ Lao động Thương binh Xã hội tiến hành 2 năm một lần cho thấy rất rõ khoảng cách thu nhập và tiêu dùng giữa 25% giàu nhất và 25% nghèo nhất đang gia tăng rất nhanh. Nếu như 2006, khoảng cách tiêu dùng giữa hai nhóm này là 6 lần thì 2008 là 8 lần, và điều tra gần đây nhất đã là hơn 9 lần. Nếu nói về tài sản, khoảng cách này còn lớn hơn nhiều, thậm chí tới cả nghìn lần.

Bất bình đẳng trong xã hội biểu hiện qua việc tích tụ tài sản đang tăng ở một số ít người, trong khi một số lớn người mất dần tài sản, dẫn tới khiếu kiện gia tăng đặc biệt trong lĩnh vực đất đai. Nếu những người dân mất đất được bồi thường thỏa đáng, hoặc họ không cảm thấy mất mát quá nhiều, thiệt thòi quá đáng thì không đến nỗi có những chuyện khiếu kiện như vậy.

Giải quyết bất bình đẳng xã hội đòi hỏi trách nhiệm trực tiếp của Chính phủ, phải rà soát lại cơ chế, quá trình tổ chức thực hiện. Nhưng vai trò của Quốc hội cũng rất lớn. Quốc hội rất cần quan tâm nhiều hơn và cùng với Chính phủ giải quyết, chứ không chỉ giám sát rồi chuyển sang Chính phủ xử lý. Những đại biểu, dù là doanh nhân tham gia vào Quốc hội cần phải nói lên tiếng nói của dân, những người bầu ra họ chứ không thể thờ ơ, vô cảm hoặc nói tiếng nói của những người đi ngược lại lợi ích của nhân dân. 

Chênh lệch giàu nghèo gia tăng cũng là thách thức cần Chính phủ giải quyết. Ảnh: Wall Street Journal
Chênh lệch giàu nghèo gia tăng cũng là thách thức cần Chính phủ giải quyết. Ảnh: Wall Street Journal
Thách thức thứ tư với Thủ tướng và Chính phủ mới chính là nhóm lợi ích. Nhiệm vụ của bộ máy điều hành mới là phải làm sao để lợi ích của sự phát triển được phân bổ đồng đều trong xã hội, cho đa số người dân. Đồng thời, phải kiềm chế những nhóm lợi ích ích kỷ, chỉ nghĩ cho cá nhân mình, gia đình mình, công ty và tập đoàn mình mà không nghĩ tới lợi ích chung của đất nước. 

Thậm chí kể cả lợi ích cục bộ của địa phương, các ngành cũng cần phải xem xét, sắp đặt, điều chỉnh cho đi đúng guồng chung của đất nước. Khi đã phân định, giao cho các ngành, các địa phương thì các vị đứng đầu phải điều hành sao cho sự phát triển của các ngành, địa phương hài hòa với lợi ích chung của đất nước. Chứ không thể để xảy ra chuyện cả nước thắt chặt tín dụng mà Bộ Xây dựng lên tiếng muốn gỡ cho doanh nghiệp bất động sản. Hoặc doanh nghiệp bất động sản vừa có đại diện trong Quốc hội đã ngay lập tức phát biểu thắt tín dụng bất động sản là không đúng.

Sự phối hợp thiếu ăn ý giữa các bộ ngành cũng đang làm giảm đáng kể hiệu quả của chính sách. Tài khóa không đi đôi với tín dụng, trong khi vốn ngân hàng thắt chặt thì cắt giảm đầu tư công lại không như mong đợi, khiến lạm phát vẫn leo thang và nhiều khả năng không giữ được mức 17% vào cuối năm nay.

Biết bao nhiêu trường hợp người dân kêu ca nhưng các cơ quan chức năng đá bóng cho nhau. Mỗi vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Nông nghiệp có trách nhiệm một phần, Y tế, Công Thương và Bộ Khoa học Công nghệ cũng có phần trách nhiệm. Nhưng rốt cục là chẳng ai chịu trách nhiệm trước người dân. Điển hình là vụ bức tử sông Thị Vải ở Đồng Nai, giữa Bộ và địa phương đá bóng cho nhau hoài mà không thổi phạt được Vedan, để đến mức phải sử dụng lực lượng xã hội, tức là phản ứng của người tiêu dùng tẩy chay mì chính Vedan thì họ mới chịu đền bù. 

Câu chuyện này thể hiện rõ sự kém cỏi trong phối hợp giữa các cơ quan, mà nguyên nhân có thể là thiếu trách nhiệm, thiếu bản lĩnh ở những người có trách nhiệm ở các bộ, các địa phương. Nếu không, xã hội sẽ quy cho anh chịu sức ép của nhóm lợi ích nào đó nên không dám nói, không dám làm.

Chính phủ nhiệm kỳ mới không dễ để xử lý những nhóm lợi ích đó. Nhưng tôi cho rằng, với bản lĩnh của mình, và khi đã rõ đường hướng, Chính phủ sẽ biết được đâu là những lợi ích cần được bảo hộ và không đáng để bảo hộ. 

Muốn giải quyết vấn đề nhóm lợi ích, cách tốt nhất là dựa tối đa vào người dân, lợi ích của đông đảo người dân là lợi ích của toàn xã hội. Phải xử lý mạnh tay, chấm dứt những yêu sách, đòi hỏi đi ngược lợi ích số đông, có như thế họ mới chùn tay. Nếu vẫn du di cho nhau, xuê xoa cho nhau thì nhóm lợi ích vẫn tiếp tục hoành hành theo cái cách của họ, ngày càng khôn ngoan hơn, trắng trợn hơn theo kiểu bất chấp tất cả. 

Vấn đề cuối cùng, nhưng không phải là vấn đề kém quan trọng nhất, đó là Biển Đông, hay mở rộng hơn chính là chủ quyền đất nước. Trong đáy lòng mình, tôi rất tin Quốc hội và Chính phủ vừa qua đã biết lo, nghĩ về vấn đề hệ trọng này nhưng có nhiều điều khó, không nói ra được với dân. Nhưng hy vọng Chính phủ mới bộc bạch nhiều hơn. Có những điều không tiện nói ra một cách đông đảo nhưng không thể giải quyết bằng cách im lặng trước bức xúc của người dân, nhất là liên quan tới vấn đề hệ trọng của tổ quốc. 

Người dân mình, khi đất nước lâm nguy cũng là lúc đoàn kết với nhau nhất, chung sức chung lòng nhất. Đây là cơ hội để nhà nước tập hợp người dân, cùng nhau tập trung giải quyết những vấn đề vận mệnh của đất nước. 

Chính phủ và Quốc hội cần dành thời gian nhiều hơn để bàn bạc về vấn đề này, đề ra các giải pháp tăng cường năng lực tự bảo vệ mình. Từng bộ, ngành cũng có trách nhiệm cụ thể. Bộ Quốc phòng, Nông nghiệp Nông thôn phải làm sao để ngư dân ra biển an toàn, yên tâm sinh sống nơi biển đảo. Bộ Giao thông Vận tải phải làm sao để Vinashin làm ra những con tàu tốt. 

Bộ Công Thương cũng phải có trách nhiệm của mình. Suốt thời gian qua Bộ Công Thương ở đâu mà để thương lái Trung Quốc vào mua hàng hóa ngay trên đất Việt Nam không cần tư cách pháp nhân, không giấy phép và không nộp một xu thuế cho Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước có chịu trách nhiệm gì không, thương lái Trung Quốc vào mua suốt từ Bắc tới Nam thì tiền ở đâu ra mà họ làm được như vậy? Trong khi đó, chúng ta lại nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc. Vấn đề chủ quyền không chỉ dừng lại ở biển đảo, mà cần chú ý tới cả trong đất liền nữa. 

Để giải quyết tất cả 5 thách thức đó, có lẽ cần quay lại những nguyên tắc rất cơ bản của một thể chế tốt. Chúng ta vẫn nói mong muốn xây dựng một nhà nước trong sạch, vững mạnh. Trong sạch thì phải minh bạch, thể hiện ở việc mọi quy định đưa ra phải rõ ràng, không để ai hiểu sai hoặc cố tình hiểu sai, thực hiện sai. Ai cố tình hiểu sai, cố tình thực hiện sai thì phải trừng trị người đó, đấy mới là minh bạch.

Tôi mong Chính phủ mới sẽ tăng cường hơn nữa, yêu cầu cao hơn nữa về trách nhiệm của người đứng đầu trong tất cả các tầng lớp quản lý. Tôi hoan nghênh có những vị đã mạnh dạn đứng ra xin chịu trách nhiệm trước Quốc hội khi để xảy ra vấn đề trong lĩnh vực mình quản lý. Có như vậy mới khôi phục được lòng tin của dân chúng cũng như cộng đồng nhà đầu tư trong nước, quốc tế.
Song Linh- Hoàng Lan ghi
Nguồn: VNE

GS. NGUYỄN MINH THUYẾT: 5 THÁCH THỨC LỚN ĐỐI VỚI QH VÀ CP



5 thách thức lớn đối với Quốc hội và Chính phủ

29/07/2011 07:29

(VTC News) – “Uy tín của Quốc hội sẽ được xác lập ngay qua việc bàn thảo và ra được Nghị quyết về Biển Đông” – GS.TS Nguyễn Minh Thuyết.

VTC News vừa có cuộc trao đổi với nguyên Đại biểu Quốc hội, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết về những thách thức đặt ra với Quốc hội và Chính phủ khóa mới.

5 thách thức lớn đối với Quốc hội và Chính phủ
Nguyên Đại biểu Quốc hội, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó Hiệu trưởng ĐH KHXH& NV Hà Nội), người thường có những câu hỏi "gai góc" tại Quốc hội. Ảnh: Việt Dũng (Tuổi Trẻ). 

5 thách thức phía trước

Quốc hội vừa bầu ra các vị lãnh đạo cấp cao của Nhà nước. Nhận định của ông về việc này?

- Trước hết, tôi xin chúc mừng các vị đã được tín nhiệm, giao những trọng trách vẻ vang nhưng rất nặng nề đó. Mong các vị sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội và nhân dân giao phó.

Các vị được bầu vào các chức danh lãnh đạo cấp cao kỳ này đều là những nhà hoạt động chính trị lâu năm, đóng vai trò chủ chốt trong việc đề ra chính sách và điều hành bộ máy nhà nước trong nhiều nhiệm kỳ. Họ có nhiều kinh nghiệm, cả kinh nghiệm thành công và chưa thành công.

Tôi mong nhiệm kỳ này, các vị được bầu sẽ rút được kinh nghiệm sâu sắc từ những nhiệm kỳ trước, nhất là nhiệm kỳ vừa qua, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân…

Theo ông, những thử thách nào đang chờ đợi Quốc hội và Chính phủ khóa mới?

- Theo tôi, có 5 thách thức lớn đối với Quốc hội và Chính phủ khóa này:

Thứ nhất là đảm bảo phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Người dân đang lo lắng khi chúng ta dường như say sưa với các chỉ tiêu tăng trưởng mà chưa chú ý đúng mức đến chất lượng tăng trưởng. Vì vậy, Quốc hội và Chính phủ cần xem lại việc phấn đấu theo chỉ tiêu tăng trưởng GDP, đồng thời đưa ra những chỉ tiêu mới đánh giá được hiệu quả của tăng trưởng kinh tế và chất lượng cuộc sống của người dân… 

5 thách thức lớn đối với Quốc hội và Chính phủ
Đời sống khó khăn hơn, nhiều người tranh thủ làm thêm lúc về đêm.
Ảnh: Hoàng Hà (Vnexpress).
 

Hiện nay, ở nước ta có tình trạng phát triển kinh tế nhanh nhưng chưa bền vững, cơ cấu kinh tế không hợp lý. Công nghiệp thiên về khai khoáng, gia công, lắp ráp. Nông nghiệp vẫn lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả, nền kinh tế chưa vận hành đúng quy luật của kinh tế thị trường… Lạm phát chưa dừng; riêng năm nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã vượt hơn 2 lần chỉ tiêu Quốc hội cho phép.

Có một thực tế là chúng ta đầu tư càng nhiều thì lượng tiền lưu thông càng lớn, khả năng lạm phát càng cao; mà nếu không chống được tham nhũng, lãng phí thì đầu tư càng nhiều, khả năng thất thoát càng lớn, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế và an sinh xã hội.

Báo chí mới đây đưa tin về công nhân một công ty ở ngoại thành Hà Nội hưởng lương có hơn 1 triệu đồng/tháng nên đã đình công khiến chúng ta phải suy nghĩ về hiệu quả của các doanh nghiệp kiểu này. Doanh nghiệp mở ra nhiều thì đất nông nghiệp mất nhiều, đời sống nông dân, môi trường đều bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, người lao động chỉ nhận được đồng lương rất thấp, còn nền công nghệ của đất nước thì không tiến thêm được một bước nào. Doanh nghiệp phát triển nhiều thì tốn rất nhiều điện năng, khiến chúng ta phải xây thêm thủy điện, nhà máy điện hạt nhân…, chấp nhận nhiều rủi ro lớn. Phải chăng đã đến lúc nước ta phải chọn lọc đầu tư?  

Thách thức thứ hai là bảo vệ chủ quyền, trước hết là chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng hiện nay. Nếu chúng ta để mất một tấc đất của tổ tiên để lại thì chúng ta sẽ có tội với những người đi trước và các thế hệ muôn đời mai sau. Lịch sử sẽ luận tội thế hệ chúng ta nếu để xảy ra chuyện này. Vì thế, trách nhiệm của Quốc hội và Chính phủ khóa mới là rất lớn.

Chúng ta ở cạnh một nước có tham vọng lớn, tiềm lực lớn thì càng phải tăng cường sức mạnh đoàn kết dân tộc, củng cố quốc phòng - an ninh, mở rộng hợp tác quốc tế…để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. 

Thách thức thứ ba là phòng, chống tham nhũng. Đảng đã coi tham nhũng là 1 trong 4 nguy cơ của chế độ. Chúng ta đã thi hành nhiều biện pháp phòng, chống tham nhũng nhưng hiệu quả rất thấp. Nếu không chống được tham nhũng thì sẽ mất lòng dân, giảm sút sức mạnh của đất nước, đe dọa sự tồn vong của dân tộc, của chế độ. Chắc chắn đây là việc rất khó thực hiện, nếu không thực sự quyết tâm, kèm theo những biện pháp hiệu quả.

Thách thức thứ tư cũng rất lớn là phát huy dân chủ để huy động mọi lực lượng tham gia công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một nét mới của Đại hội Đảng XI là đề cao vai trò của dân chủ. Nhưng trên thực tế  thì vẫn chưa thấy nhiều giải pháp tốt để thể chế hóa, triển khai đường lối ấy vào cuộc sống… 

Nhiều nơi, quyền làm chủ của người dân bị xâm phạm nghiêm trọng. Ví dụ, việc cấp sổ đỏ là nghĩa vụ chính quyền phải làm cho dân nhưng nhiều nơi vẫn hành dân khủng khiếp lắm. Hay thực hiện quyền lao động, quyền có công ăn việc làm bây giờ đâu có dễ.

Ở một huyện nông thôn xa lắc xa lơ, muốn xin 1 suất dạy ở trường phổ thông cũng phải mất 80 triệu…Ngay cả việc người dân làm cái nhà, cái cửa, đi đăng ký xe cộ…cũng lắm thủ tục. Rồi chuyện giải phóng mặt bằng, tại sao có nơi làm công bằng được mà nhiều nơi thì không? Trả cho người dân giá đền bù rẻ như bèo, xong lại bán cho doanh nghiệp với giá cao ngất ngưởng, rồi chính doanh nghiệp lại bán cho dân cao hơn nữa… thì dân nào chịu nổi? Nếu không giải quyết tốt những điều này thì những bức xúc tích tụ lâu ngày có thể dẫn đến mất ổn định xã hội.

Thách thức thứ năm là phát triển văn hóa, giáo dục. Tôi thấy nếp sống của một bộ phận trong chúng ta hiện nay rất có vấn đề. Lễ lạt bày ra nhiều nhưng giá trị sống thì sa sút chưa từng thấy. Nhiều thanh niên gặp nhau, nhìn nhau khó chịu là rút dao đâm nhau, rồi bao nhiêu vụ người nhà hại nhau chỉ vì những quyền lợi con con… Mặt khác, nhiều người có chức năng đem văn hóa đến cho công chúng lại hành xử rất thiếu văn hóa.

Giáo dục có nhiều cố gắng nhưng chưa thấy hiệu quả. Có lẽ nhiều sáng kiến của ngành mang nặng tính chủ quan. Nghị quyết của Đại hội XI yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, nhưng đến nay vẫn chưa biết đổi mới thế nào. Vấn đề này chắc phải trưng cầu ý kiến công chúng chứ không thể quyết một cách chủ quan được.


Hai lĩnh vực văn hoá và giáo dục chuyển biến còn khó hơn kinh tế vì thường có “độ trễ” nhất định so với phát triển kinh tế. Cho nên, nếu không lo từ bây giờ thì rất khó đạt được kết quả khi kết thúc nhiệm kỳ.

"Phép thử" biển Đông

Quốc hội lần này sẽ bàn đến Biển Đông. Theo ông, Quốc hội có nên ra Nghị quyết về vấn đề này?

- Đây chính là thử thách đầu tiên để người dân đánh giá hoạt động của Quốc hội. Vì những hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền nước ta, phá hoại hoạt động lao động hợp pháp của người dân và doanh nghiệp Việt Nam trên biển, áp đặt đường lưỡi bò hết sức phi lý… đang làm cho các tầng lớp nhân dân ta lo lắng và phẫn nộ. 

5 thách thức lớn đối với Quốc hội và Chính phủ
Cả nước Việt Nam đang hướng về biển, đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Ảnh: Vietnamnet.
 

Nếu các đại biểu Quốc hội chỉ đọc tài liệu hoặc chỉ dừng ở việc nghe báo cáo thì không đáp ứng nguyện vọng người dân, không đáp ứng được yêu cầu bảo vệ Tổ quốc. 

Người dân đang trông chờ vào thái độ của các đại biểu Quốc hội. 

Tôi tin là các đại biểu Quốc hội khoá XIII sẽ xứng đáng với niềm tin mà người dân đã gửi gắm. Uy tín của Quốc hội sẽ được xác lập ngay qua việc bàn thảo và ra được Nghị quyết về Biển Đông.

Quốc hội lần này có nhiều đại biểu mới. Nếu được nhắn nhủ đến họ thì ông sẽ nói gì?

- Khi còn hoạt động ở Quốc hội, tôi thường tâm niệm là ở đời có nhiều người tài năng và tâm huyết hơn mình nhiều nhưng không phải ai cũng có điều kiện nói lên tiếng nói của người dân trên diễn đàn Quốc hội. Mình được Đảng, được dân giao nhiệm vụ thì phải gắng sức hoàn thành.

Tôi mong các đại biểu Quốc hội khoá XIII sẽ tiếp tục truyền thống vẻ vang của Quốc hội Việt Nam, tích cực nghiên cứu thực tế, suy nghĩ sâu sắc về các vấn đề của đất nước, đưa lên bàn nghị sự để đáp ứng nguyện vọng của người dân, xứng đáng với lá phiếu mà người dân đã bầu cho mình.

Xin cảm ơn ông!

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

DẠI KHỜ NHÂN ĐÔI

Tôi tự hỏi sao mình khờ dại thế

Khi bên em ngồi kể chuyện năm nào

Mắt nhìn trời chiêm ngắm những vì sao

Nghe sóng nhỏ, rì rào như khẽ hát.


Phút cao hứng tôi ngâm thơ lục bát

Miệng em cười , rất thật lại còn xinh

Chẳng hiểu sao tôi cứ ngỡ men tình

Đã dậy lại làm tim mình bối rối.


Thành thật nhất, tự dưng tôi ướm hỏi:

Nếu thời gian trở lại, có yêu tôi?

Em lắc đầu bẽn lẽn tuổi đôi mươi ,

Và trách cứ: anh ơi khờ dại thế!

Tháng 8 năm 2011, t.thienke

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

Anh xin lỗi

Anh xin lỗi vì đã bỏ ra đi
Cuồng dại như cánh chim bay ngược chiều gió thổi
Giọt nước mắt em ngày nào rơi nóng hổi
Chỉ khiến lòng anh thêm cháy khát tự do.

Anh xin lỗi vì những điều nhận và cho
Anh chẳng bao giờ nghĩ về em trước nhất
Chỉ khi nào lo sợ em đi mất
Anh lại dịu dàng lời nói ngọt đầu môi.

Anh xin lỗi vì những khoảng cách xa xôi
Của mỗi lần ghé thăm kéo dài từ tuần sang tháng
Anh xin lỗi vì những lúc anh lơ đãng
Nhớ tới một người khi đang nắm tay em.

Anh xin lỗi vì những phút dịu êm
Được ở bên em mà anh không trân trọng
Trái tim yêu ngày xưa từng cháy bỏng
Nguội lạnh dần theo những chuyến đi xa.

Để một ngày khi năm tháng trôi qua
Anh giật mình nỗi nhớ em da diết
Đến bây giờ anh mới hiểu, anh mới hay, anh mới biết
Em chính là bờ bến của đời anh.

Chỉ còn lại những điều rất mong manh
Anh sẽ đợi, sẽ chờ tới khi em tha thứ
Hãy để trái tim anh sau bao ngày say ngủ
Thêm một lần, cháy bỏng để yêu em

Aki Kokoro

Thứ Hai, 8 tháng 8, 2011

Bài phát biểu trước Quốc hội của ông Dương Trung Quốc về Biển Đông, Bô-xít

(Tamnhin.net): Kỳ họp thứ nhất nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã khép lại. Nhân dân ta được chứng kiến những hoạt động của kỳ họp đặc biệt quan trọng này mà 2/3 thời gian kỳ họp bàn về vấn đề sắp xếp phân công nhân sự. Thật may mắn trong số thời gian còn lại đài truyền hình VTV1 đã kịp thời truyền tải những ý kiến của các đại biểu của dân đến được với nhân dân cũng như cử tri của cả nước thấy,nghe để cũng được yên lòng và củng cố lòng tin.


Báo Tamnhin.net xin trích đăng nguyên văn bài phát biểu tại QH sáng ngày 6-8-2011 của Đại biểu (Dương Trung Quốc - đoàn Đồng Nai)

Kính thưa QH
Với kỳ hợp thứ Nhất của QH khoá XIII này, chúng ta được chứng kiến một hiện tượng hy hữu trong lịch sử QH. Một vị Phó Thủ tướng thường trực trình bày bản Báo cáo của Chính phủ ở đầu kỳ họp lại trở thành Chủ tịch QH chủ trì giám sát ngay chính bản báo cáo của mình. Lần đầu tiên có một nhà hành pháp lại trở thành nhà lập pháp và hơn thế nữa chúng ta cũng chứng kiến nhiều  thành viên của Chính phủ lại “hoá thân” vào QH .
Tôi muốn nhìn nhận khía cạnh tích cực của hiện tượng này. Là người tham gia hoạt động rất lâu năm trong Chính phủ, ở vào những vị trí then chốt nhất của CP, hiểu rõ “chân tơ kẽ tóc” của CP, Chủ tịch QH biết được tất cả những chỗ mạnh, chỗ yếu của CP, từng chiụ trách nhiệm về hoạt động của CP sẽ thực thi trách nhiệm cùng QH giám sát CP sẽ chặt chẽ hơn. Giám sát hiểu theo nghĩa là sẽ phát hiện được những yếu kém để điều chỉnh những hoạt động hành pháp của CP, cũng như  với vai trò lập pháp sẽ tạo những hành lang pháp lý chuẩn xác góp phần cho CP thực thi hiệu quả trách nhiệm hành pháp của mình... Đó là hy vọng của tôi và nhiều cử tri.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc
Tôi cũng mong muốn báo cáo của CP bên cạnh những đánh giá chủ yếu về kinh tế, môt lĩnh vực quan trọng nhưng cũng nên quan tâm nhiều hơn đến một lĩnh vực cũng không kém phần quan trọng là những đánh giá về các vấn đề xã hội. Các vấn đề xã hội không chỉ là các chính sách an sinh, con số thống kê thu nhập, giàu nghèo, tệ nạn, tai nạn v.v... mà còn về lòng tin của dân
Nếu đánh giá về kinh tế có thể biểu thị được bằng con số định lượng (như GDP, chỉ tiêu, sản lương...)  thì cũng nên đánh giá chỉ tiêu về lòng tin của dân đối với CP. Những phương pháp điều tra, thống kế hiện đại có thể làm được điều này. Thế giới họ làm nhiều rồi. Một nhà nước của dân dân,vì dân càng phải quan tâm đến lòng tin của dân. Tôi thấy có đại biểu lấy hiện tượng ở Bắc Phi để đánh giá, theo tôi không thể so sánh vì chúng ta đã có một truyền thống xây dựng đựoc sự đồng thuận trên dưới, giữa nhân dân và chính phủ và phải biết gìn giũ nó như gìn giữ con mắt của mình.

Tôi xin đưa ra  một thí dụ để làm rõ quan điểm của tôi cũng là đề cập tới một vấn đề hệ trọng chưa được CP quan tâm đúng mức xét theo khía cạnh quan tâm đến lòng tin của dân.
Đó là vấn đề Biển Đông. Không thể không thừa nhận rằng vấn đề Biển Đông trong đó có cả vấn đề bảo vệ chủ quyền cũng như vấn đề phát triển quốc gia là một vấn đề đang nổi bật. Sự tranh chấp, sự đe doạ, sự không ổn định là vấn đề không chỉ các nước có liên quan mà cả thế giới quan tâm. Vậy mà báo cáo của CP tuy có đề cập thể hiện quan điểm mang tính nguyên tắc của CP, nhưng rõ ràng là chưa thể hiện đúng tầm mức. Chúng ta không thổi phồng, không kích động, không để hoang mang là cần thiết, nhưng không thể coi đó là chuyện bình thường được. Nó phải được thể hiện trong báo cáo của CP đúng tầm mức, phải được phản ảnh trong chương trình nghị sự của QH đúng tầm mức để nhân dân tin tưởng, thông suốt...
Ngay chương trình làm việc của QH ban đầu hầu như chẳng có vấn đề gì xảy ra ở Biển Đông cả, phải đến lúc dư luận và đai biểu QH yêu cầu thì QH mới đưa vào chương trình một buổi báo cáo không đầy 1 tiêng và không có thảo luận.  Tôi xin bày tỏ điều tôi suy nghĩ về nội dung buổi báo cáo đó, và tôi đã nói với bộ trưởng ngoại giao ý kiến của tôi rằng : Trừ một vài nội dung chi tiết , còn về căn bản nếu những nội dung báo cáo đó được trình bày cho dân chúng thì chỉ có tốt trở lên, dân sẽ tin hơn vào những gì CP đã làm,  nó làm sáng tỏ phần nào những băn khoăn , trăn trở của dân và quan trọng hơn là sự ủng hộ của dân được tổ chức, được huy động có hiệu quả.
Cái gì cần tế nhị trong quan hệ ngoại giao ta phải giữ, nhưng với dân thì không cần đến sự tế nhị mà cần sự tin cậy, thẳng thắn. Cái gì cần mềm mỏng với ngoại giao thì cũng cần mềm mỏng trong “nội giao”, đừng tạo ra những khoảng cách, những xung đột không đáng có giữa CP và nhân dân, cho dù sự cảnh giác là cần thiết.
Tôi cũng muốn nêu thêm về một ví dụ mà  ngay trong buổi báo cáo ngày hôm qua cùng không  đề cập tới. Đó là văn bản của Thủ tướng Việt Nam cách đây nửa thế kỷ. Vấn đề đó, chúng ta hoàn toàn có đủ lập luận để phản bác những ý đồ xuyên tạc. Dường như chúng ta chỉ quan tâm đến bàn hội nghị mà không quan tâm giải thích cho dân biết. Tài liệu ấy họ đã phát tán thành giấy gói hàng,  đưa lên mạng vậy mà không có cơ quan nào chính thưc lên tiếng phản bác, giải thích cho dân (mới đây mới được tờ báo của Mặt trận Tổ quốc đề cập tới)
Là người làm nghề sử, tôi muốn nhắc lại một sự kiện cách đây đã 65 năm. Đầu năm 1946, khi cần phải đối phó với một tình hướng “ngàn cân treo trên sợi tóc” liên quan đến vận mệnh của Tổ Quốc, Chủ Tịch  Hồ Chí Minh đã đi một nước cờ táo bạo một cách sáng suốt là ký Hiệp định Sơ Bộ 6-3.

Thấy nước cờ ấy dân chưa hiểu, thắc mắc, hoang mang... Chính quyền cách mạng tổ chức cả một cuộc biểu tình có hàng vạn người tham gia trên Quảng trường Nhà Hát Lớn (hình ảnh vẫn còn để ta thấy dân quan tâm đến việc nước như thế nào, có cả dân quê, có cả anh phu xe, công chức hay thợ thuyền, trí thức...).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp giải thích cả mấy tiếng đồng hồ, rồi vị Chủ tich nước đứng trước quốc dân nói lên rằng : “Đồng bào hãy tin tưởng ở Nhà nước, Hồ Chí Minh không khi nào bán nước”.
Học tập Bác Hồ nên nhớ cách ứng xử với dân của Bác khi vận nước khó khăn. Cho dù thời đại có nhiều thay đổi, mọi so sánh có hể là khập khiễng thì cái nguyên lý “dân biêt” thì “dân mới làm” và dân có điều kiện “kiểm tra” CP là chuyện của muôn đời.
Tại sao phải là đại biểu QH với một phiên hop kín mới được nghe những thông tin mà theo tôi nếu để dân biết thì tốt biết bao. Tôi tin chắc là dân sẽ tin, còn người ngoài có tin hay không thì là việc là thứ yếu.
Thưa QH,
Hướng ra Biển Đông nhưng cũng phải luôn quan tâm đến đất liền, trong đó có nền kinh tế của chúng ta. Chúng ta muốn giữ được chủ quyền chính trị thì cũng phải giữ được chủ quyền kinh tế. Tại kỳ họp cuối cùng của khoá trước, tôi đã đặt câu hỏi chất vấn CP rằng nền kinh tế của ta bên cạnh việc khai thác có hiệu quả nhưng nguồn lực nước ngòai thông qua việc phát triển những mối quan hệ hơp tác, nhưng có lành mạnh không, có bị lệ thuộc không ?
Biết bao nhiêu vấn đề đã được nêu lên ngay trong QH với những định lượng rất đáng lo lắng về những khả năng bị lệ thuộc đặc biệt là với Trung Quốc cần phải được quan tâm để điều chỉnh, vì chưa thấy những dấu hiệu tích cực. Nếu vấn đề có vẻ tế nhị này nhưng phải trên nguyên tắc “tiên trách kỷ hậu trách nhân” còn thiên hạ thì bao giờ cũng quan tâm đến lợi ích, (lợi ích kinh tế, kể cả lợi ích chính trị) bằng mọi giá. Tại sao nông dân trồng vải đến vụ thu hoạch mà các cơ quan quản lý, doanh nghiệp nhà nước vẫn đóng cửa im ỉm (như một phóng sự truyền hình phản ảnh), trong khi  thương lái nước ngoài  tung hoành và thực sự lại trở thành cứu cánh cho dân.
Đấy mới là quả vải nhỏ bé còn chỉ cần nhìn vào nhiều công trình thắng thầu, dòng chẩy của hàng hoá mà tình trạng nhập siêu là tiêu biểu nhất ,đủ thấy nhiều thông điệp đáng lo ngại khác. Nhìn  ngoại thị trường tất cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu kể cả những mặt hàng nông sản, thực phẩm mà tại Việt Nam thừa khả năng sản xuất cũng nhan nhản ngoài thị trường là hàng Trung Quốc.
Cuối cùng, tôi đề cập tới một nội dung mà đại diện Đoàn Đồng Nai và Đại biểu Lâm Đồng đã đề cập những chưa đủ thời gian hơn nữa đó lại là chương trình vận động bàu cử của tôi với bà con cử tri sống ven con đường Quốc lộ 20 trước nguy cơ nhãn tiền là việc vận chuyển bô xít liên quan đến một dự án mà QH đã thông qua  mà CP cũng cam kết chỉ khai thác bô xit nếu có hiệu quả kinh tế và bảo đảm an toàn môi trường. QH có trách nhiệm giám sát trong quá trình triển khai thực hiện. Đó là mới quan tâm đến việc khai tuyển ma chưa quan tâm đến tác động của việc vận chuyển.
 Về việc này, vị đại diện TKV vừa phát biểu. Tôi lấy làm lạ là học sinh đã kém sử mà chúng ta lại kém toán hay sao mà không nhận ra lộ trình đến 15 tháng 8 này phương án mới chuyển Phó Thủ tướng Chính phủ xem xét mà cuối năm xe chở bô xít đã phải lăn bánh rồi. Các chiến sĩ Công an Đồng Nai chúng tôi chỉ đặt một câu hỏi : Liệu xe trọng tải 40 tấn có được cho phép đi trên cầu 25 tấn không? Đây không phải là bài toán kinh tế mà là bài toán kỷ cương, bài toán pháp luật . Là cơ quan lâp pháp và giám sát thực thi pháp luật, để xẩy ra tình trang nan giải này, có trách nhiệm của cả QH.
Hy vọng với môt QH khoá mới, có CTQH mới QH sẽ  khắc phục một cách căn bản những tình huống tương tự làm giảm lòng tin của người dân vào QH và CP.  
                                                                         Dương Trung Quốc
                                                                        Đại biểu Tỉnh Đồng Nai
(Tựa bài do BS đặt)

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

Lời cảm ơn của gia đình tiến sĩ Luật học Cù Huy Hà Vũ sau phiên xử phúc thẩm 2 tháng 8 năm 2011

Kính thưa toàn thể đồng bào,
Kính thưa các vị đã ký tên đòi trả tự do cho công dân Cù Huy Hà Vũ,
Thưa các luật sư bảo vệ cho Cù Huy Hà Vũ,
Thưa các vị đã trực tiếp tới dự hoặc theo dõi phiên toà phúc thẩm,
Thưa toàn thể những người yêu chuộng Dân chủ, Tự do và Công lý,
Trái với nguyện vọng của đông đảo đồng bào trong và ngoài nước qua hàng nghìn chữ ký đòi trả tự do cho Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, trái với những lời khuyên chân tình của nhiều tổ chức quốc tế, phiên phúc thẩm ngày 2 tháng 8 năm 2011 đã tuyên án người yêu nước Cù Huy Hà Vũ 07 năm tù và 03 năm quản chế.
Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ qua lời cám ơn đồng bào ngay từ trước khi mở phiên phúc thẩm đã thấy trước kết quả đó.
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã thấy trước nguyên nhân sâu xa của vấn đề: trong vụ án này, có hai bên, một bên là Đảng Cộng Sản Việt Nam chậm trễ như thể cố tình cưỡng lại việc thực hiện một Nhà nước Việt Nam pháp quyền, và một phía bên kia là một Cù Huy Hà Vũ như một tiếng nói đại diện cho tất cả những những tiếng nói đòi xây dựng Nhà nước Việt Nam pháp quyền”.
Bản án phải được tuyên nặng, vì Đảng Cộng sản Việt Nam chưa sẵn sàng nhận những lời khuyên của Cù Huy Hà Vũ. Có những ràng buộc trong Đảng, vì quyền lợi và quyền lực cũng có, mà về nguyên nhân văn hóa cũng có, đã khiến cho những lời khuyên của tiến sĩ Cù Huy Hà Vu không lọt tai nhiều người nhiều cấp.
Đó là một điều tự nhiên của lịch sử, mặc dù nó không đáng để xảy ra ở đất nước Việt Nam văn hiến này. Cuộc đấu tranh như vậy là vẫn còn tiếp diễn để chân lý được chấp nhận, để nhân dân ta được sống dân chủ hơn, tự do hơn, công bằng hơn, và văn minh hơn.
Gia đình và dòng họ Cù Huy xin tỏ lòng biết ơn đồng bào và bè bạn đã đấu tranh đòi trả Tự do cho Cù Huy Hà Vũ, nay lại tiếp tục hoan nghênh những chữ ký không vì một cá nhân Cù Huy Hà Vũ mà vì một nền Pháp chế xứng đáng với một Việt Nam thông minh và anh dũng. Chúng tôi sẽ kháng cáo; xin đồng bào hãy tiếp tục ủng hộ người yêu nước Cù Huy Hà Vũ.
Xin cám ơn các luật sư đã hết sức vận dụng pháp luật, đã không hổ thẹn khi không bảo vệ được thân chủ. Chúng tôi sẽ kháng cáo; xin các đồng nghiệp luật học hãy tiếp tục ủng hộ luật gia yêu nước Cù Huy Hà Vũ.
Xin cám ơn bè bạn, xin cám ơn tất cả.
Thay mặt gia đình Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ
Nguyễn Thị Dương Hà.