Thứ Tư, 27 tháng 10, 2010

Đề án bauxite trên Tây Nguyên : quả bom nổ chậm

Đăng bởi bvnpost on 27/10/2010
Trọng Nghĩa
clip_image001  
Công nhân làm việc tại mỏ khai thác bauxite Tân Rai (Reuters)
 
Từ sau vụ hồ chứa bùn đỏ bauxite ở Hungary bị vỡ vào thượng tuần tháng 10/2010, gây những tổn thất về cả nhân mạng, vật chất lẫn môi trường, càng lúc càng có nhiều tiếng nói vang lên tại Việt Nam, yêu cầu chính quyền xem xét lại kế hoạch khai thác bauxite đang được thực hiện trên vùng Tây Nguyên.
Một bản kiến nghị yêu cầu tạm đình chỉ đề án bauxite Tây Nguyên cho đến hết ngày hôm qua 24/10 đã được gần 2000 người ký tên, trong đó có rất nhiều tên tuổi trong các lãnh vực chính trị, khoa học, kinh tế, cùng với nhiều sĩ quan cao cấp cũng như người dân bình thường.
Trên báo chí Việt Nam, không ngày nào không có bài viết cảnh báo chính quyền về hiểm họa tiềm tàng đối với đất nước. Chỉ cần nhìn qua một số bài viết là độc giả thấy ngay là công luận đang hết sức lo âu trước một viễn ảnh đáng ngại. Trong bài viết được báo trên mạng Tuần ViệtnamNet công bố vào hôm nay, Tiến sĩ Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, đã tóm lược mối quan ngại chung khi cho biết là "Qua tính toán của chúng tôi, dự án bô-xít Tây Nguyên vừa lỗ nặng, vừa gây ô nhiễm đến môi trường cả trước mắt và lâu dài".


Thậm chí, cũng trên tờ Tuần VietnamNet, Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty Năng lượng sông Hồng, thuộc tập đoàn TKV – chủ đầu tư dự án bauxite Tây Nguyên cũng thẩm định: “Sau hai năm triển khai thí điểm, mặc dù chưa xong 100% nhưng, rất may, trong quá trình thí điểm chúng ta đã có đủ thông tin để đưa ra kết luận, với 2 lý do nên dừng thí điểm để đóng cửa dự án». Lý do thứ nhất, theo ông Sơn, đó là vì: “Công nghệ thải bùn đỏ của các dự án trên Tây Nguyên là công nghệ "ướt", lạc hậu, có nguy cơ cao giống hoàn toàn như của Hungary». Bên cạnh đó, đề án bauxite Tây Nguyên, theo ông Sơn, cũng hàm chứa rất nhiều rủi ro về kinh tế do đó không nên tiếp tục.
Trên báo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Văn Ban, nguyên Trưởng ban Dự án nhôm của Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam thuộc Tập đoàn TKV, cũng khuyến cáo chính quyền là nên dừng đề án bauxite Tây Nguyên nếu yếu tố an toàn không được bảo đảm. Theo ông: “Không ai có thể lường trước được những nơi xây dựng hồ chứa bùn đỏ đó có xảy ra những trận mưa lũ lớn làm vỡ hồ không. Có thể khi thiết kế chúng ta dựa vào tài liệu khí tượng thủy văn hàng trăm năm để tính nhưng với sự biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra đột biến và ghê gớm như hiện nay, việc thiết kế các hồ chứa bùn đỏ cần phải xem xét hết sức kỹ lưỡng, phải lấy những hệ số an toàn cao hơn rất nhiều, kể cả hệ số dự tính cho những đột biến xảy ra đối với thời tiết».
Nhiều nguy cơ tiềm tàng, ít lợi ích kinh tế
Nhìn chung, giới chuyên gia đều nhất trí kêu gọi đình chỉ đề án khai thác bauxite, vì nguy cơ tiềm tàng rất lớn, trong lúc lợi ích kinh tế chẳng bao nhiêu. Trả lời phỏng vấn của báo Vnexpress ngày hôm nay, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, một người đã ký tên vào bản kiến nghị, phân tích: “Không có bô xít, Việt Nam không nghèo đi. Sản xuất ra alumina với khối lượng một vài triệu tấn một năm là quá nhỏ so với so với thị trường trên thế giới. Và hiện nay, nhôm cũng là một thứ vật liệu rẻ chứ không quá đắt. Nó không phải là khoáng sản có giá trị tăng cao».
Phản ứng của công luận đang đẩy giới chủ trương khai thác bauxite vào thế thủ. Theo báo Thanh niên, ông Phạm Khôi Nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Việt Nam đã tuyên bố trấn an, cho rằng “Bauxite ở Việt Nam, về lý thuyết là an toàn”. Ông Nguyễn Thanh Liêm, đương kim Trưởng ban Nhôm – bauxite, thuộc Tập đoàn TKV còn dám xác định là chỉ có động đất mới làm vỡ được hồ bùn đỏ bauxite trên Tây Nguyên.
Tuy nhiên, trước mối quan ngại trong công luận càng lúc càng mạnh, theo báo chí trong nước, chính quyền Việt Nam, qua lời ông Nguyễn Xuân Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã cho biết là Chính phủ đang lắng nghe các góp ý về bauxite. Phát biểu với báo Tuổi trẻ vào hôm nay, ông Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công thương kiêm chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn TKV, cũng xác định rằng chỉ cần chính phủ ra lệnh là họ sẽ dừng ngay dự án.
Để hiểu rõ hơn về mối bức xúc của dư luận trong nước, và đặc biệt là mức độ nguy hiểm tiềm tàng của việc khai thác bauxite trên Tây Nguyên, RFI đã phỏng vấn ông Nguyễn Đức Hiệp, chuyên gia nghiên cứu về môi trường tại Úc, nước đứng đầu thế giới hiện nay trong lãnh vực khai thác quặng nhôm.
1/ Mối quan ngại hàng đầu trong khai thác bauxite Tây Nguyên: hồ chứa bùn đỏ
Hiện nay chính phủ vẫn tiếp tục khai triển hai nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ. Nhà máy Tân Rai hầu như sắp xong, dự kiến sẽ hoạt động vào tháng 11 này, nhưng vì kế hoạch không bao giờ đúng nên dự định sẽ vận hành vào tháng 3 hoặc tháng 4 năm 2011. Quan tâm hàng đầu của mọi người hiện là cái hồ chứa bùn đỏ.
Bùn đỏ là chất thải của quá trình luyện alumina [nhôm oxit], có rất nhiều chất kiềm (chất soude). Hiện nay, hồ bùn đỏ nằm ở giữa thung lũng. So với hồ chứa bên Hungary thì cái hồ này nói chung chắc chắn hơn. Tuy nhiên, giữa hai cái hồ ở Hungary và ở Tây Nguyên Việt Nam, tình thế rất khác nhau. Hồ ở Tây Nguyên nằm trên một địa điểm rất cao. Thêm nữa, vũ lượng [lượng mưa] ở Tây Nguyên rất khác với ở Hungary. Hồ chứa bùn đỏ nằm trong thung lũng, nhưng được chia thành nhiều khoang chứa vì không thể đổ tất cả bùn đỏ vào cùng một lúc, nên phải chia ra nhiều khoang.
Hai vấn đề quan trọng đặt ra là bùn đỏ có thấm vào lòng đất để đi vào nước ngầm hay không? Thứ nữa là vũ lượng ở Tây Nguyên rất cao, cho nên có thể làm trào cái hồ bùn đỏ. Vì vậy, nếu xét về kỹ thuật giữa hai cái hồ ở Hungary và ở Tây Nguyên, tôi nghĩ là hồ ở Tây Nguyên hàm chứa nguy cơ có thể là cao hơn, tại vì có thể thấm xuống mạch nước ngầm.
Về vấn đề thứ nhất, hiện nay bùn đỏ Việt Nam sẽ được xử lý theo công nghệ gọi là “ướt”, chất soude sẽ nằm ở dưới đáy hồ rất nhiều. Mặc dầu là có thể có tầng đất sét rất dày cách ly, cộng thêm với các lớp chống thấm, thế nhưng kinh nghiệm ở nhiều nước, như là ở Úc, cho thấy là sau một quá trình lâu dài thì chất soude vẫn có thể có phản ứng hóa học với đất, cho nên vẫn có thể thoát ra được. Tại Úc bây giờ, người ta đã bỏ công nghệ “ướt” rồi vì thấy là trong thực tế, chất bùn đỏ vẫn ngấm vào nước ngầm sau khi hồ chứa nằm đó khoảng 20 năm.
Về vấn đề lượng mưa, ở ngay Tây Nguyên, nơi có hồ Tân Rai, vũ lượng mưa rất cao, cho nên lúc mùa mưa, khả năng tràn hồ bùn đỏ cao hơn là ở bên Hungary. Vì vậy mà về môi trường, vấn đề giải quyết bùn đỏ ở Việt Nam, ở Tây Nguyên là một điểm rất quan trọng.
2/ Bùn đỏ trên Tây Nguyên rất nguy hại vì đe dọa vùng lưu vực sông Đồng Nai rất đông dân
Vấn đề bùn đỏ khi thất thoát ra được ở trên Tây Nguyên sẽ có hệ quả lớn hơn là ở Hungary: tại vì nằm bên trên lưu vực sông Đồng Nai, và ở dưới vùng hạ lưu đó thì dân số rất đông, từ TP HCM xuống đến Cần Giờ, hoặc là từ Biên Hoà trở xuống… Rất đông dân cho nên ảnh hưởng rất mạnh, cao hơn là Hungary.
Thêm nữa là theo những kế hoạch như tôi biết là ở bên Úc này, tất cả các nhà máy luyện aluminium [nhôm] đều rất gần biển, và gần những nơi khô ráo và có nhiều điện. Nếu có xảy ra sự cố thì người ta có thể thải ra nước biển, tai hoạ môi trường sẽ giảm đi. Và thứ hai nữa là gần biển thì dễ chuyên chở và dễ xuất khẩu, còn làm như ở Tây Nguyên Việt Nam thì vấn đề là giá thành bauxite rất cao.
3/ Bauxite Tây Nguyên: một đề án phi kinh tế
Công nghệ sản xuất alumina ở Việt Nam lại là của Trung Quốc, sẽ dùng điện rất nhiều, sức tiêu dùng điện rất cao so với công nghệ của những nước khác, làm cho giá thành alumina ở Việt Nam rất cao so với giá ở chỗ khác, khó có thể cạnh tranh. Vì vậy nếu sản xuất alumina ở Tây Nguyên, ngoài vấn đề chuyên chở từ Tây Nguyên xuống giá rất cao, và công nghệ không tốt về vấn đề môi trường và không có hiệu năng, với cái giá thành cao đó alumina của Việt Nam sẽ không bán được cho ai hết ngoài việc bán cho Trung Quốc.
Rõ ràng là cái đề án bauxite Tây Nguyên hoàn toàn không có lợi về kinh tế. Thứ nhất là nó xa bờ biển. Cho nên di chuyển hàng, di chuyển alumina sau khi luyện xong xuống cảng rất xa xôi, mà thêm nữa là nếu mà đã có đường sắt hoặc là đường bộ đã xây xong thì việc chuyên chở dễ dàng hơn, nhưng mà hiện nay cơ sở hạ tầng này hoàn toàn chưa có, vẫn chưa có cái dự án nào thật sự hoàn thành, mở được đường từ Tây Nguyên đi xuống cảng Kê Gà.
Tôi không hiểu là khi nhà máy Tân Rai hoạt động thì vấn đề chuyển alumina luyện được xuống cảng như thế nào. Tôi nghĩ là chỉ riêng trên vấn đề kinh tế, đề án bauxite Tây Nguyên đã rất vô lý vì chưa có cơ sở hạ tầng mà đã thi hành cái dự án đó ở trên Tây Nguyên rồi.
Đứng về mặt kinh tế thì rõ ràng là dự án có thể lỗ, không có lợi bao nhiêu, mà tác hại môi trường rất lớn, cho nên tôi nghĩ là tốt nhất Việt Nam nên ngưng ngay cái dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên.
4/ Khả năng hoàn thổ: một ảo vọng
Tôi không nghĩ là khả năng hoàn thổ thực hiện được. Người ta nói như vậy thôi, chứ sự hoàn thổ không thể nào mà hoàn thổ hết được. Tại vì khi đã đào đi một số lượng đất, và đã khai thác bauxite rồi thì lấy đất ở đâu mà hoàn thổ hoàn toàn trở lại.
Đó là trong trường hợp ta lấy đất chỗ khác mang đến để hoàn thổ, nhưng mà ở tất cả những dự án mà tôi biết được ngay nước Úc này, thì không bao giờ có thể hoàn thổ được hoàn toàn. Mà thật sự hầu như là không có chỗ nào có được kế hoạch hoàn thổ tốt đẹp cả. Cho nên, mặc dầu là họ nói đến việc hoàn thổ nhưng không ai tin rằng có thể hoàn thổ y nguyên được.
5/ Trung Quốc chủ trương xuất khẩu ô nhiễm sang nước khác
Đây là chính sách của Trung Quốc từ cả mấy năm nay rồi. Không riêng gì trong việc khai thác bauxite mà trong mọi địa hạt khai thác hầm mỏ. Bây giờ ngay cả than nữa, Trung Quốc cũng không còn muốn làm những cái mỏ gây tác hại môi trường rất lớn, mà họ chủ trương mua thẳng sản phẩm từ nước ngoài.
Trong lãnh vực bauxite, nếu họ sản xuất trong nước thì cũng bị hệ quả môi trường. Bauxite thì cũng không có hiệu quả kinh tế cao so với những nước khác. Tại các quốc gia khác, công nghệ cao hơn và năng suất rất tốt, giá thành bauxite lại rất thấp, do đó Trung Quốc đã chuyển hướng, thay vì tự khai thác làm nước họ phải gánh chịu tác hại môi trường rất lớn, thì họ nhập alumina từ nước ngoài, nhất là ở những nước có công nghệ cao như Úc hay là Mỹ.
Còn những cái công nghệ cũ của họ, họ cho xuất khẩu những thứ đó qua những nước mà luật về môi trường rất lỏng lẻo, thí dụ như là Việt Nam, hay Indonesia hoặc là những nước có quy trình đánh giá môi trường rất yếu. Đó là kế hoạch mà Trung Quốc đã tiến hành từ nhiều năm nay rồi.
6/ Trung Quốc xuất khẩu công nghệ cũ qua Việt Nam
Đúng vậy, công nghệ của Trung Quốc là công nghệ cũ, nhất là vấn đề luyện alumina. Quá trình luyện bauxite ra nhôm nó có hai công đoạn: thứ nhất là luyện alumina, rồi từ alumina mới luyện nhôm. Luyện nhôm cần điện rất nhiều. Việt Nam hiện nay chỉ có luyện alumina mà thôi. Công nghệ hiện nay Việt Nam dùng để luyện alumina là của Trung Quốc, đó là công nghệ cũ.
Công nghệ xử lý chất thải cũng là công nghệ cũ, tức là công nghệ “ướt” để xử lý bùn đỏ thay vì công nghệ khô. Công nghệ khô cho phép giảm nồng độ của soude và hoàn lại chất soude nhiều hơn là công nghệ ướt. Thêm nữa là trong quá trình luyện alumina, công nghệ cao dùng điện rất có hiệu quả, cho nên giá thành nó sẽ rất thấp, còn công nghệ cũ hiện nay dùng điện hiệu quả thấp, cho nên giá thành rất cao.
7/ Bài học kinh nghiệm từ Hungary: phải lường trước tình huống xấu nhất
Vấn đề quan trọng nhất của Việt Nam là chưa ước tính được là nếu xẩy ra sự cố về môi trường thì tai hại sẽ là bao nhiêu. Khi khởi sự bất cứ một công trình nào, người ta lúc nào cũng phải đánh giá tác hại khi xảy ra trường hợp xấu nhất. Ở Việt Nam, hầu như không có một cái đánh giá nào như vậy.
Đó là vấn đề mà tôi nghĩ là bài học lớn nhất mình có thể học được. Không bao giờ chủ quan nói rằng là khó có thể xảy ra sự cố. Vấn đề không phải khó xảy ra hay không, mà là nếu có xảy ra thì tác hại sẽ như thế nào. Hiện nay chưa có một công trình nghiên cứu rõ ràng, để xem tác hại đến đâu khi xảy ra sự cố. Vấn đề hệ quả của vụ vỡ đê bùn đỏ ở Hungary là bài học mà chúng ta phải quan tâm.
Ngoài vấn đề kinh tế và môi trường còn có vấn đề xã hội, vấn đề quốc phòng nữa. Cho nên nếu nhìn về tổng thể, dự án Tây Nguyên là một dự án hoàn toàn không nên làm, một dự án điên rồ mà theo ý kiến của tôi, chỉ những người tắc trách mới có thể không nghe được tiếng nói của bao nhiêu người và nhà khoa học đã lên tiếng. Quốc hội Việt Nam đã nêu lên vấn đề này nhưng không thể nào giải quyết được nếu không có quyết định từ cấp lãnh đạo cao nhất.
8/ Bauxite Tây Nguyên là một quả bom nổ chậm có thể bùng lên bất cứ lúc nào
Nhà máy Tân Rai, và sau này là nhà máy Nhân Cơ, nếu đi vào hoạt động sẽ để lại cái chất thải bùn đỏ nằm ở đó coi như là suốt đời. Không bao giờ mình có thể chắc chắn rằng không bao giờ xảy ra sự cố. Cho nên cái tác hại từ hệ quả xấu nhất chưa bao giờ được nghiên cứu hoặc là tiên đoán ra sao trong cái dự án này.
Theo tôi, đây là một điều tắc trách rất lớn vì ta không thể khẳng định rằng sự cố không thể xảy ra. Khi thi hành một dự án, ta phải luôn luôn đặt câu hỏi là nếu xảy ra tình hình xấu nhất thì tác hại sẽ ra sao. Đó chính là câu hỏi mà ở bất cứ nơi nào khác, người ta đều đặt ra trước khi thực hiện một dự án, trước khi tiếp tục công trình. Nhưng Việt Nam đã không làm như vậy. Cho nên tôi nghĩ là việc thành lập hai nhà máy luyện bauxite ở Tây Nguyên hiện nay một quyết định rất sai lầm.
T.N.
Nguồn: RFI

Bô xít và phép thử phản biện xã hội

Trần Minh Quân
clip_image001
Ảnh: Time
Sau một thời gian im lặng đến lạ kỳ của báo chí, trong những ngày vừa qua hầu hết các báo đều đăng tin liên quan đến Bô xít Tây Nguyên, từ những bài tham luận của các nhà chuyên môn, đến những bài phỏng vấn của các cá nhân mà tiếng nói của họ rất có trọng lượng.
Qua các bài báo này, có rất ít ý kiến ủng hộ dự án Bô xít. Trong số các ý kiến ủng hộ, ta chỉ thấy những quan điểm yếu ớt, thiếu thuyết phục của một vài cá nhân hiện đang làm việc tại Tập đoàn Than và Khoáng sản VN (TKV) như ông Lê Dương Quang và Bộ trưởng Bộ TM – MT Phạm Khôi Nguyên, …
Về phía không ủng hộ. Ngoài những lập luận hết sức thuyết phục của các cá nhân cùng ký tên vào bản kiến nghị dừng dự án Bô xít đã nêu lên trong bản kiến nghị, dư luận đặc biệt chú ý đến ý kiến của các nhà khoa học có thâm niên về chuyên môn như TS Nguyễn Thành Sơn, Ông Nguyễn Văn Ban, PGS.TS.Nguyễn Đình Hòe, các đại biểu Quốc Hội như ông Dương Trung Quốc, Ông Nguyễn Minh Thuyết, GS Nguyễn Lân Dũng, Ông Lê Quang Bình, … cựu cán bộ chính phủ như GS Chu Hảo, GS Đặng Hùng Võ, …


Đọc lướt qua các bài báo, bài phỏng vấn này, một đặc điểm dễ nhận thấy là đa số đều nêu ý kiến lo ngại sâu sắc, từ hiệu quả kinh tế đến an ninh quốc phòng, văn hóa xã hội, đặc biệt là lo ngại những tác hại đến môi trường của dự án.
Các ý kiến này càng được thuyết phục hơn khi đa số họ là những người không liên quan gì đến dự án, nói cách khác, họ không có có những quyền lợi gì đi kèm theo dự án, tiếng nói đó là tiếng nói độc lập, trung thực xuất phát từ tấm lòng của một người công dân biết trăn trở với thời cuộc, canh cánh với nỗi lo cho vận mệnh dân tộc và giống nòi Việt Nam.
Những vụ vỡ hồ chứa bùn đỏ được TS Nguyễn Thành Sơn chỉ ra trên khắp thế giới và gần đây nhất là ở Hungary là những minh chứng hùng hồn nhất. Hồ chứa bùn đỏ treo lơ lủng trên cao nguyên thực sự là một mối nguy hại tiềm tàng khủng khiếp.
Còn theo ông Đặng Hùng Võ thì “chúng ta đừng loanh quanh chấp nhận một tiên đề duy nhất là dứt khoát phải khai thác bô xít”. Đúng vậy, lâu nay chúng ta đã quen với việc duy nhất là phải chấp nhận những quyết định mà quên đi chúng ta có quyền phản biện nếu phát hiện thấy những tác hại do những quyết định ấy gây ra. Đây chính là cơ hội để chứng minh sức mạnh của phản biện xã hội và tập hợp được trí tuệ của toàn xã hội khi đất nước có những sự việc quan trọng.
Có một số ý kiến cho rằng dự án Bô xít đã đầu tư hàng trăm triệu USD (khoảng 400 – 600 triệu USD), nếu dừng dự án thì đây là một tổn thất rất nặng nề về mặt kinh tế. Theo GS Đặng Hùng Võ thì “400 triệu USD không nói lên điều gì cả, vấn đề là tương lai chúng ta sẽ thế nào”. Đúng vậy, tương lai của hàng triệu người, tương lai của một vùng đất rộng lớn đang thấp thỏm lo sợ những tác động, nguy cơ tiềm ẩn của dự án mới là điều đáng quan tâm. Trong khi một mình Vinashin đã làm thất thoát hàng tỉ USD thì con số 400 triệu USD có bị mất đi để đổi lấy sự an tâm lâu dài, để giữ gìn bản sắc văn hóa của Tây Nguyên, để bảo đảm an ninh quốc phòng tại một vị trí xung yếu – nóc nhà Đông Dương tính ra là quá rẻ.
Những ý kiến góp ý chân thành của một số người nặng lòng với đất nước trong thời gian qua ít nhiều đã có tác dụng nhất định. Bằng chứng là lời hứa sẽ xem xét và tổng hợp ý kiến để báo cáo lên Bộ Chính trị của người đại diện cho Chính phủ, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc. Hy vọng rằng lời hứa của ông Nguyễn Xuân Phúc cũng thật tâm và người dân đang chờ những quyết định sáng suốt từ các vị lãnh đạo cao nhất.
Để đi đến kết quả cuối cùng phù hợp với đa số ý kiến của các nhân sĩ, trí thức kể trên thực sự là một vấn đề nan giải, cần nhiều thời gian và ý thức tiếp nhận thông tin của nhiều người. Nhưng dẫu sao, những trăn trở này cũng là một dịp để thể hiện sức mạnh trí tuệ xã hội và quan trọng hơn là một phép thử của tiếng nói phản biện xã hội vốn đang lạc lõng, yếu ớt.
T.M.Q.
http://boxitvn.wordpress.com/2010/10/27/b-xt-v-php-th%E1%BB%AD-ph%E1%BA%A3n-bi%E1%BB%87n-x-h%E1%BB%99i/

Thứ Ba, 26 tháng 10, 2010

Tôi không có kẻ thù


Liu Xiaobo (Lưu Hiểu Ba)


Dưới đây là trích lược lời phát biểu của ông Lưu Hiểu Ba, nhà hoạt động nhân quyền Trung Hoa, đồng tác giả của Hiến chương 08, phổ biến tại phiên toà ngày 23/12/2009. Tháng Hai năm nay, toà kháng cáo giữ y án tù 11 năm.

Bài phát biểu ngắn này đã phản ảnh khí phách một người dân chủ tại một xứ độc tài toàn trị. Trao tặng Lưu Hiểu Ba giải Nobel Hoà Bình 2010, Uỷ Ban Nobel Hoà Bình đã thay mặt công luận thế giới, ghi nhận tầm cỡ của một khí phách, vì ông Lưu là một biểu tượng lớn của phong trào dân chủ và nhân quyền tại Trung Hoa, nói riêng, và tại các quốc gia khác còn đang chịu đựng sự đàn áp con người, nói chung.

Tháng Sáu 1989 là bước ngoặt lớn của cả cuộc đời 50 năm của tôi. Trước kia, tôi từng là một sinh viên trong lứa đầu tiên được tuyển sinh vào trường đại học vừa mở cửa lại sau Cách Mạng Văn Hoá; đường học của tôi diễn tiến êm ả từ cấp cử nhân lên cao học rồi Tiến sĩ. Sau khi tốt nghiệp, tôi được giữ làm giảng viên trường Đại Học Bắc Kinh.

Trên bục giảng, tôi là một thầy giáo được nhiều sinh viên biết đến. Tôi cũng là một trí thức của công chúng: những năm 1980, tôi viết nhiều bài báo và sách có tiếng vang. Tôi thường đi lại nhiều nơi diễn thuyết, được mời đi thỉnh giảng tại Châu Âu và Hoa Kỳ. Tôi đòi hỏi ở mình đức chân thực, tinh thần trách nhiệm, và lòng tự trọng cả trong đời sống lẫn trong bài viết.

Sau đó, khi tôi từ Hoa Kỳ trở về, tôi tham gia phong trào sinh viên 1989, bị tù vì “tuyên truyền phản cách mạng và kích động bạo loạn”, bị tước mất vị thế tôi trân trọng; tôi bị cấm không được viết lách hay diễn thuyết tại Trung Quốc. Chỉ vì mỗi một chuyện là phát biểu quan điểm khác biệt về chính trị và tham gia các phong trào dân chủ và hoà bình, mà một thầy giáo phải xa bục giảng, người cầm bút bị cấm xuất bản, và người trí thức thì mất cơ hội nói với công chúng. Điều này đáng buồn cho cá nhân tôi đã đành, mà còn cho cả đất nước Trung Hoa sau ba thập niên đổi mới và mở cửa.
Liu Xiaobo (1989)

Xem nào, những trải nghiệm nặng nề nhất của tôi từ sau biến cố 4 Tháng Sáu 1989 đều dính dáng với toà án; hai dịp mà tôi có điều kiện nói với công chúng đều là tại toà án sơ thẩm Bắc Kinh, một lần vào Tháng Giêng 1991 và lần này. Tuy rằng tội danh vào mỗi dịp đều khác nhau, về thực chất cả hai đều là tội danh liên quan đến quyền tự do ngôn luận.

Đã hai mươi năm qua, những linh hồn trong trắng của biến cố 4 Tháng Sáu vẫn chưa được yên nghỉ, và tôi, một kẻ đã đi trên con đường bất đồng chính kiến vì nhiệt tâm với 4 Tháng Sáu, sau khi rời nhà tù Tần Thành năm 1991, đã bị cấm ăn nói tại chính quê hương mình, và chỉ được phép phổ biến quan điểm của mình qua truyền thông hải ngoại, vì thế bị theo dõi suốt nhiều năm qua; bị quản chế (Tháng Năm 1996 – Tháng Mười 1999), và bây giờ bị đẩy vào thế đứng kẻ thù của chế độ.

Tuy nhiên tôi muốn nói với chế độ đã tước đoạt quyền tự do của tôi, rằng tôi vẫn thuỷ chung với niềm tin của mình mà tôi từng bày tỏ hai mươi năm trước, khi tôi phát biểu tại kì tuyệt thực – Tôi không có kẻ thù, không có lòng căm thù. Không một nhân viên an ninh theo dõi, bắt giữ và thẩm vấn tôi, công tố viên kết tội tôi, hay vị chánh án đã xử án tôi, không ai là kẻ thù tôi cả. Mặc dù tôi không thể chấp nhận sự theo dõi, bắt bớ, kết tội, tuyên án của các vị, tôi vẫn tôn trọng nghiệp vụ và nhân cách của các vị. Kể cả sự buộc tội lần này: Tôi biết các vị tôn trọng tôi và giữ sự chân tình trong lúc thẩm vấn tôi hôm 3 Tháng Mười Hai.

Bởi vì lòng thù hận chỉ làm hoen rỉ sự khôn ngoan và ý thức của ta; não trạng thù hận có thể làm hỏng hồn tính một quốc gia, gây ra bao nhiêu là bạo động oan khiên cho vạn sinh linh, phá hỏng lòng khoan hoà và tình người của một xã hội, và ngăn chặn bước tiến của một quốc gia trên hành trình về tự do dân chủ. Do vậy tôi mong rằng mình sẽ có thể vượt lên khỏi những thăng trầm của số phận một cá nhân nhỏ bé để mà hiểu được sự phát triển của quốc gia và những đổi thay của xã hội, vượt qua thái độ thù hận mà chế độ dành cho tôi bằng thái độ chín hđính nhất, và lấy tình thương để gỡ bỏ sự thù hận.

Tôi vững tin rằng tiến bộ chính trị tại Trung Hoa sẽ không bao giờ ngừng lại, và tôi hoàn toàn lạc quan chờ đợi ngày tự do đến với Trung Hoa trong một tương lai không xa, bởi sẽ không có thế lực nào có thể cản trở khát vọng tự do của con người. Sẽ có ngày Trung Hoa trở thành một quốc gia pháp trị, ở đó quyền con người là tối thượng. Tôi cũng chờ đợi bước tiến ấy thể hiện cụ thể qua phiên toà này, và chờ đợi một phán quyết công bằng của toà như một phép thử của lịch sử.

Hỏi rằng trong hai thập niên qua, điều gì là một trải nghiệm may mắn nhất đời tôi, tôi không ngần ngại mà nói rằng đấy là tình yêu tràn đầy của Lưu Hà, người vợ thân yêu. Em không thể có mặt tại phiên toà hôm nay, nhưng anh vẫn muốn bày tỏ với người yêu dấu của anh một điều, rằng anh vẫn vững tin vào tình yêu bền chặt của chúng ta. Đã bao năm nay, trong hoàn cảnh đời sống mất tự do, tình yêu chúng ta đã chỉ có lắm chua xót vì ngoại cảnh đưa đẩy, nhưng nó vẫn bay bổng khỏi những rào chắn. Anh bị giam cầm trong một nhà tù nhỏ, còn em thì vẫn đang vò võ đợi anh trong nhà tù lớn.

Tình yêu em là ánh sáng đã giúp anh vượt qua những bức tường và thanh sắt, vẫn dịu dàng trên từng li tấc da thịt anh, sưởi ấm từng tế bào cơ thể anh, giúp anh giữ lòng mình được thanh thản, cao thượng và trong sáng, vì vậy mỗi phút giây trong nhà tù vẫn tràn đầy ý nghĩa. Bù lại, tình yêu anh dành cho em toàn là sự thống hối, có khi làm nặng trĩu từng bước chân đi. Anh là một viên đá tảng nặng nề nơi chốn hoang vu, hứng chịu những nghiệt ngã của bão tố, và trở thành lạnh băng trước nhân gian. Nhưng tình yêu anh vẫn bền,sắc, và có thể vượt qua bao cản ngại. Cho dù ai có nghiền nát anh, anh vẫn nguyện ôm ấp em bằng tro than của mình.
Những người biểu tình đòi tự do cho ông Lưu Hiểu Ba
bên ngoài Bộ ngoại giao TQ hôm 08/10/2010

Có tình yêu em, người yêu dấu ơi, anh sẽ nhìn thẳng vào phiên toà hôm nay với lòng thanh thản, không tiếc hận về những chọn lựa của mình, và vẫn lạc quan tin tưởng vào một ngày mai. Anh chờ đợi đất nước chúng ta sẽ trở thành xứ sở tự do, ở đó tiếng nói của mọi công dân được đối xử ngang nhau; ở đó mọi khác biệt về giá trị, quan điểm, niềm tin, chính kiến... đều được quyền tương tranh và cộng tồn bên nhau trong hoà bình; ở đó quan điểm của đa số và thiểu số đều được bảo đảm, nhất là những chính kiến khác biệt với quan điểm quan phương chính thống sẽ được tôn trọng và bảo vệ; ở đó tất cả mọi quan điểm chính trị đều được công khai cho nhân dân lựa chọn; ở đó mọi công dân sẽ được quyền biểu đạt chính kiến mà không phải sợ hãi, không bị trấn áp vì cất tiếng nói bất đồng.

Tôi mong mỏi rằng bản thân mình sẽ là nạn nhân cuối cùng của chuỗi dài truy đuổi bất tận những kẻ bất đồng tại Trung Hoa, và rằng sau tôi sẽ không ai còn phải chịu cảnh tù đày vì bày tỏ quan điểm của mình.

Quyền tự do phát biểu là cơ sở của nhân quyền, là nguyên uỷ của nhân tính và là mẹ của sự thật. Cấm đoán tự do ngôn luận là giày xéo lên quyền con người, bóp nghẹt nhân tính, và trấn áp sự thật.

Tôi không thấy mình có tội gì khi sử dụng quyền tự do phát biểu hiến định, để làm tròn trách vụ công dân của mình. Dẫu có bị kết tội vì đã làm thế, tôi cũng chẳng than phiền điều gì cả.
Liu Xiaobo (Lưu Hiểu Ba)
Xuyến Như chuyển ngữ
© Thông Luận 2010
 


Lựa chọn

 Trang in Trang in

 Gởi đến cho bạn bè Gởi đến cho bạn bè