Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

Kiên quyết phản đối

Cập nhật lúc 03:53, Thứ hai, 30/05/2011 (GMT+7)
Ngày 29-5, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức họp báo về việc ngày 26-5, tàu Hải giám của Trung Quốc đã cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 (BM02) thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) khi tàu BM02 đang khảo sát địa chấn trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Tại cuộc họp báo, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh:
'Việt Nam kiên quyết phản đối hành động của phía Trung Quốc phá hoại, cản trở các hoạt động thăm dò  khảo  sát  bình  thường của  Việt   Nam trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây thiệt hại lớn cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của mình, vi phạm Công ước Luật Biển năm 1982 của LHQ, trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC) ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002 cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay, không để tái diễn những hành động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam'.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng cho biết, sáng 27-5, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Ðại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối hành động nói trên của phía Trung Quốc.
Tại cuộc họp báo, Phó Tổng Giám đốc PVN Ðỗ Văn Hậu cho biết diễn biến chi tiết vụ việc nói trên như sau:
Thực hiện kế hoạch PVN đã phê duyệt về chương trình thăm dò khai thác dầu khí năm 2011, Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí, một thành viên của PVN, đã cử tàu khảo sát địa chấn BM02 triển khai khảo sát địa chấn tại khu vực bốn lô 125, 126, 148, 149, đều nằm hoàn toàn trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Vào lúc 5 giờ 5 phút sáng 26-5, tàu BM02 đang tiến hành công tác khảo sát tại lô 148 ở tọa độ 12o48'25' Bắc, 111o26'48' Ðông thì phát hiện có tàu lạ đang di chuyển rất nhanh về phía khu vực khảo sát và sau đó năm phút thì phát hiện tiếp hai tàu nữa di chuyển từ phía ngoài vào. Ðó là ba tàu Hải giám Trung Quốc (China Marine Surveillance) số 84, 72 và 17 chạy thẳng vào khu vực khảo sát mà không có cảnh báo. Tàu BM02 đã cố gắng liên lạc với các tàu này nhưng không nhận được phản hồi. Trên cơ sở tốc độ di chuyển của các tàu Hải giám Trung Quốc, tàu BM02 thấy có khả năng sẽ ảnh hưởng thiết bị khảo sát của tàu, nên đã quyết định hạ thấp dây cáp của thiết bị khảo sát để tránh thiệt hại. Nhưng tàu Hải giám Trung Quốc số 84 vẫn chủ động chạy qua khu vực thả cáp thu tín hiệu địa chấn của tàu BM02 và dùng thiết bị cắt đứt cáp này vào lúc 5 giờ 58 phút. Vị trí mà tàu Hải giám Trung Quốc phá hoại thiết bị của tàu BM02 chỉ cách mũi Ðại Lãnh (Phú Yên) 116 hải lý, nằm hoàn toàn trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Sau khi cắt dây cáp của tàu BM02, đến 6 giờ 45 phút, tàu Hải giám Trung Quốc số 84 còn liên lạc, thông báo là tàu BM02 đã 'vi phạm chủ quyền của Trung Quốc', yêu cầu tàu BM02 rời lô làm việc ngay lập tức và đe dọa sẽ sử dụng các hành động vũ lực tiếp theo. Nhưng tàu BM02 đã kiên quyết bác bỏ luận điệu của tàu Hải giám Trung Quốc và khẳng định rằng tàu BM02 đang hoạt động trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, việc tiếp tục công việc của tàu BM02 vẫn bị ba tàu Hải giám Trung Quốc cản trở cho tới khi ba tàu này rời khỏi khu vực khảo sát lúc 9 giờ sáng 26-5. Tàu BM02 và các tàu bảo vệ đã phải dừng công việc trong ngày 26-5 và thu lại thiết bị bị hỏng để sửa chữa. Dưới sự chỉ đạo của PVN và Tổng công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí, tàu BM02 đã sửa chữa thiết bị tại chỗ và tới 6 giờ sáng 27-5, tàu BM02 đã trở lại hoạt động.
Phó Tổng Giám đốc PVN nhấn mạnh, các tàu Hải giám Trung Quốc đã nhiều lần vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để phá hoại thiết bị và cản trở hoạt động khảo sát bình thường của PVN, nhưng vụ việc sáng 26-5 là nghiêm trọng nhất. PVN cũng khẳng định công tác khảo sát, thăm dò địa chấn và khai thác dầu khí tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam sẽ tiếp tục được tiến hành bình thường vì đây là khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước phát biểu ngày 28-5 của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng 'Việc phía Việt Nam tiến hành hoạt động thăm dò dầu khí tại vùng biển do Trung Quốc quản lý đã làm tổn hại lợi ích và quyền quản lý của Trung Quốc ở 'Nam Hải', đi ngược lại nhận thức chung của hai nước về vấn đề 'Nam Hải'...  Hành động mà cơ quan chủ quản của phía Trung Quốc áp dụng hoàn toàn là hoạt động giám sát và chấp pháp trên biển trong vùng biển do Trung Quốc quản lý. Phía Trung Quốc luôn nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định 'Nam Hải'', Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao ta nêu rõ:
'Chúng tôi bác bỏ phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 28-5-2011 về vấn đề này.
Cần làm rõ một số điểm như sau:
Thứ nhất là, khu vực Việt Nam tiến hành thăm dò hoàn toàn nằm trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo Công ước Luật Biển năm 1982 của LHQ. Ðây hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp, lại càng không thể nói là khu vực 'do Trung Quốc quản lý'. Trung Quốc đang cố tình làm dư luận hiểu nhầm khu vực không có tranh chấp thành khu vực tranh chấp.
Thứ hai là, Việt Nam luôn tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước là giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình. Không có nhận thức chung nào nói rằng Trung Quốc có quyền cản trở các hoạt động của Việt Nam tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chính hành động này của Trung Quốc đã đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước.
Thứ ba là, Trung Quốc kêu gọi giải quyết các tranh chấp liên quan bằng biện pháp hòa bình, nhưng chính hành động của Trung Quốc đang làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Ðông'.
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết có phải Trung Quốc đang muốn biến Biển Ðông thành 'ao nhà' với đường yêu sách chín đoạn hay không khi gần đây Trung Quốc có một loạt va chạm với Việt Nam và cả Phi-li-pin, ông Nguyễn Duy Chiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia khẳng định:
'Yêu sách đường chín đoạn hay còn gọi là 'đường lưỡi bò' của Trung Quốc ở Biển Ðông hoàn toàn không có cơ sở pháp lý, trái với Công ước Luật Biển năm 1982 của LHQ mà Trung Quốc là một thành viên. Yêu sách này xâm phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nhiều nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, và đã bị nhiều nước phản đối. Việc Trung Quốc tìm cách thực hiện yêu sách này trên thực tế đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực'.
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết có phải sự việc này cho thấy thái độ nước lớn của Trung Quốc trong khi lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố 'Trung Quốc chủ trương giải quyết hòa bình các tranh chấp', 'dù lớn mạnh cũng không xưng bá', bà Nguyễn Phương Nga nói:
'Chúng tôi mong rằng Trung Quốc sẽ thể hiện vai trò có trách nhiệm của một nước lớn, thực hiện đúng tinh thần tuyên bố của lãnh đạo Trung Quốc'.

Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011

Bốn bài báo đọc trước ngày bầu cử .

Khi nào Trung Quốc sẽ tấn công Việt Nam?

2011-05-19
Trung quốc ngày càng lộ rõ hơn tính cách nước lớn và không ngại đưa ra những quyết định vi phạm nghiêm trọng công ước quốc tế về luật biển đối với các nước láng giềng nhỏ hơn như Philippines hay Việt Nam.

AFP photo
Ngư dân Đà Nẵng chụp hôm 10/8/2010
Trong hoàn cảnh bị chèn ép liên tục như vậy liệu Việt Nam có thể ứng phó ra sao và đến bao giờ thì Trung Quốc sẽ tiến thêm bước nữa để thôn tính quần đảo Trường Sa?
Mặc Lâm có cuộc phỏng vấn đặc biệt với nhà nghiên cứu Trung Quốc Dương Danh Dy, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, để tìm câu trả lời về vấn đề này.

Trắng trợn và ngang ngược

Mặc Lâm : Thưa ông, vừa qua Trung Quốc đã tiếp tục đưa ra quyết định cấm đánh bắt cá luôn cả đối với khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam, điều này cho thấy là họ vẫn tiếp tục giữ thái độ nước lớn là bất cần những quy định của quốc tế về luật biển. Là người lâu năm nghiên cứu và làm việc với Trung Quốc, ông nhận xét việc này như thế nào?
Ông Dương Danh Dy : Nói về Trung Quốc về cái chuyện này thì nói dài hay ngắn bao nhiêu cũng đuợc. Bởi vì ý đồ bất biến của Trung Quốc là gì? Là mặc dù họ không có cơ sở pháp lý, cơ sở thực tế nào ở Biển Đông cả, nhưng từ ngày thành lập nước Công Hòa Nhân Dân Trung Hoa đến nay, đến năm 1988 thôi, họ đã lấy toàn bộ Hoàng Sa của Việt Nam. Họ chiếm 7 đảo và bãi ở Trường Sa của Việt Nam, và đến bây giờ họ còn đòi tất cả, tất cả Trường Sa là thuộc về họ hết! Đó là một điều vô lý.
Việc Trung Quốc không có chủ quyền mà lại cấm đánh cá, họ cho tàu đi vào vùng biển không phải của họ để tuần tra, là những điều ngang ngược, bá đạo, không ai có thể chịu được.
Ông Dương Danh Dy
Chuyện về chủ quyền lãnh thổ, đòi hỏi họ có chủ quyền về cấm đánh bắt cá, thậm chí vừa rồi Cục Hải Dương Trung Quốc đã thông qua một quy định là cho phép 176 hòn đảo không có người ở Trung Quốc được đấu thầu để cho người sử dụng đến khai thác những hòn đảo không có người ở. Trong đó chắc chắn sẽ có những đảo mà họ xâm phạm chủ quyền đối với Nhật Bản, với Hàn Quốc, Triều Tiên, và với Việt Nam.
Cũng như với các nước còn lại của ASEAN như Philippines, Indonesia. Cho nên, theo tôi nghĩ mục tiêu của họ đã rõ như ban ngày rồi. Đó là một sự ngang ngược, trắng trợn, vô liêm sỉ…. có thể nói thẳng như thế. Đấy là một sự vô liêm sỉ.
Mặc Lâm : Thưa, trong nhiều lần trước chúng tôi được ông trả lời phỏng vấn thì ông luôn luôn có thái độ tự chế và đây là lần đầu tiên chúng tôi nhận thấy sự bức xúc nơi ông. Thưa, xin ông cho biết đây có phải là một tín hiệu ông muốn gửi tới các cấp thẩm quyền của Việt Nam đang nhận trọng trách trong vấn đề Trung Quốc hay không?
Ông Dương Danh Dy : Tôi xin nói thật là với tư cách một nhà nghiên cứu độc lập. Bây giờ tôi về hưu rồi. Tôi là một nhà nghiên cứu  độc lập, chẳng ai quản tôi cả. Tôi phải nói thật như vậy. Bộ Ngoại Giao cũng không quản tôi được đâu, mà bây giờ quản tôi, tôi phải nói thật với ông, với bạn đọc là quản tôi là chi bộ Đảng CSVN, là chỗ mà hiện tôi đang sinh hoạt, và nếu quản về dư luận nữa là bên công an.
Nếu tôi nói cái gì mà không đúng, không hợp pháp thì người ta cũng chả để yên cho tôi. Còn Bộ Ngoại Giao không có dính líu gì đến tôi cả. Các cơ quan nghiên cứu khác cũng không dính líu gì đến tôi cả. Đấy, tôi phải nói rõ với bạn đọc và cả cho người Trung Quốc biết rằng Dương Danh Dy bây giờ chỉ là một người nghiên cứu độc lập yêu nước Việt Nam, thế thôi.
Đối với cái chuyện Trung Quốc thì tôi nói nhiều rồi, khi tôi đương còn tại chức cho đến khi về hưu. Đến bây giờ trong các cuộc hội thảo, trong những lần mà tôi có tham dự hay trong những bài viết của tôi thì tôi đều nói rõ. Đối với Trung Quốc tôi nói thật thế này: chúng tôi không bao giờ chống nhân dân Trung Quốc, mà chúng tôi chống cái bành trướng bá quyền, chống cái đại ác nước lớn của Trung Quốc thôi. Điều đó là phải khẳng định. Việc Trung Quốc không có chủ quyền mà họ lại cấm đánh cá, họ cho tàu đi vào vùng biển không phải của họ để mà tuần tra, họ đâm tàu Việt Nam thì đấy là những điều ngang ngược, bá đạo, không ai có thể chịu được.

Mục đích của TQ


001_GR168819-250.jpg
Bản đồ vùng Biển Đông mà nhiều nước đang tranh chấp. AFP PHOTO.
Mặc Lâm : Thưa, là một nhà ngoại giao kỳ cựu ông biết rất rõ là trong tình hình thế giới hiện nay không cho phép một nước có hành động xâm lăng nước khác. Tuy nhiên ông có nghĩ rằng với tính cách nước lớn mà nước này thường phô trương thì Trung Quốc có thể phớt lờ đối với dư luận quốc tế để thôn tính Trường Sa như đã từng chiếm đoạt Hoàng Sa trước đây hay không?
Ông Dương Danh Dy : Trong vấn đề Biển Đông hiện nay, đặc biệt vấn đề Trường Sa thì có khá nhiều khả năng. Một là khả năng tình hình sẽ tốt hơn trước, tốt hơn hiện nay. Đấy là điều mà cá nhân tôi rất mong muốn. Hai bên đi đến chỗ thỏa thuận, tìm được con đường tiếng nói chung để mà hòa hợp với lợi ích cả hai bên, không xảy ra chiến tranh, hai nước vẫn hòa thuận với nhau. Theo tôi nghĩ khả năng đó không phải là không có. Đấy là điểm thứ nhất.
Điểm thứ hai là nó sẽ bắt giữ như là tình hình hiện nay, nhùng nhà nhùng nhằng, thỉnh thoảng anh này phản đối một tí, anh kia phản đối một tí. Thứ ba là nó xấu nữa, và cái xấu nhất là Trung Quốc mang quân ra đánh. Xấu vừa là họ cho lính của họ giả làm dân ra chiếm những đảo không có người ở mà thuộc chủ quyền của Việt Nam, của Philippines hoặc của Indonesia làm cho căng thẳng lên.
Và xấu nhất là nổ ra chiến tranh, hoặc là Trung Quốc với Việt Nam hoặc là Trung Quốc với Philippines. Như vừa rồi chúng ta biết chuyện họ mang tàu đến hải phận Philippines khiến nước này cho máy bay ra đuổi họ bỏ chạy đấy.
Mặc Lâm : Trong tình hình xấu nhất như ông vừa nói thì liệu chính phủ Việt Nam đã sẵn sàng chưa cho một cuộc chiến không mong muốn này, thưa ông?
Ông Dương Danh Dy : Theo tôi nghĩ thì sống bên cạnh anh hàng xóm này, bất cứ người lãnh đạo Việt Nam nào cũng phải tính đến khả năng xấu nhất. Tôi chắc và tôi biết phía Việt Nam chúng ta có chuẩn bị chứ không phải chúng ta khoanh tay ngồi đợi sự cái sự bố thí của phía Trung Quốc đâu, không có đâu.
Mặc Lâm : Lịch sử Việt Nam luôn cho thấy là trong hàng ngàn năm qua mỗi lần giặc phương Bắc tràn xuống thì bất cứ triều đại nào cũng đều phải nương vào lòng dân, liệu bài học kinh điển này có được chính phủ áp dụng hay không khi mà thời gian trước đây nhà nước luôn cấm đoán những cơn bức xúc của người dân?
...không nói ra nhưng mọi người Việt Nam đều biết rằng thằng bá quyền Đại Hán Trung Quốc này chưa lấy được Trường Sa của Việt Nam thì hắn chưa thôi...
Ông Dương Danh Dy
Ông Dương Danh Dy : Phải nói thật là có một thời gian dài chúng ta vì nghĩ tới lợi ích lớn cho nên chúng ta nhân nhượng, chúng ta không nói rõ về những bất đồng, nhất là trong cuộc chiến tranh xâm lược nước ta của Trung Quốc năm 1979.
Thế nhưng gần đây nếu ông theo dõi báo chí, dư luận Việt Nam thì ông thấy là bắt đầu có những điểm mới rồi. Báo Thanh Niên của Việt Nam đã nói tới chuyện liệt sĩ Lê Đình Chinh, mà nói tới Lê Đình Chinh thì ai cũng biết liệt sĩ hy sinh ở chiến tranh biên giới năm 1979. Báo Thanh Niên Việt Nam cũng đã nói đến chuyện những liệt sĩ hy sinh ngày tháng 3 năm 1988 khi bị hải quân Trung Quốc tấn công chúng ta đấy. Bắt đầu nói tới chuyện ấy rồi!
Còn trong dân, tôi xin nói thật với ông là không nói ra thì thôi, nói ra thì người ta biết là đối tượng, đối thủ của chúng ta là Trung Quốc. Trung Quốc là kẻ thù nguy hiểm nhất của chúng ta. Nhưng Trung Quốc họ cũng không hề giấu giếm, họ nói Việt Nam là đối tượng nguy hiểm nhất của Trung Quốc ở Biển Đông. Thì tôi cũng nói thật rằng là không nói ra nhưng mọi người Việt Nam đều biết rằng thằng bá quyền Đại Hán Trung Quốc này chưa lấy được Trường Sa của Việt Nam thì hắn chưa thôi, thì ai cũng biết cả rồi.

Sẽ dùng vũ lực với VN?


000_Del424800-250.jpg
Hải quân Trung Quốc. AFP photo
Mặc Lâm : Xin được một câu hỏi chót với ông. Theo ông thì vì sao cho tới giờ Trung Quốc vẫn chưa dùng vũ lực đối với Việt Nam như đã từng dùng trong cuộc chiến 1979 trước đây?
Ông Dương Danh Dy : Không phải là chuyện dễ! Tôi xin nói thật với ông nhé, họ đã nói rồi “đánh Trường Sa thì dễ, giữ được Trường Sa không dễ”. Tôi không phải là nhà quân sự nhưng bằng những kiến thức của tôi thì tôi cũng biết rằng “Chúng tôi không muốn gây sự với các anh, nhưng mà các anh xâm phạm lãnh thổ thiêng liêng của chúng tôi thì các anh sẽ biết nó sẽ nhanh như thế nào."
Chắc chắn nếu bây giờ có chuyện xảy ra, tôi xin nói thật, không phải là chuyện như năm 1979 nữa đâu, họ muốn làm mưa làm gió thì họ làm nữa đâu. Bây giờ đụng đến Việt Nam thì có khác. Năm 1979 Việt Nam lúc đó bị cô lập, bị thế nọ thế kia, còn Việt Nam bây giờ với chủ trương đối ngoại đúng đắn của Việt Nam cả thế giới, nhân dân thế giới kết nghĩa đứng với Việt Nam cả. Nhân dân khu vực đứng với Việt Nam, và ngay cả nhân dân Trung Quốc những người có lương tri họ thấy rằng là không thể lại một lần nữa mang quân sang đánh Việt Nam như  năm 1979 được đâu. 
Cho nên tình hình bây giờ nó khác trước rồi, nó khác với năm 1979 rất nhiều, và nhà cầm quyền Trung Quốc thấy rất rõ. Năm 1979 tôi nói thật với ông là năm đó Việt Nam mệt nhọc lắm, phải không?  Bây giờ thì khác, chúng ta có bạn bè khắp nơi, quan hệ ngoại giao rất tốt đẹp với các nước lớn ở trên thế giới, với các nước trong khu vực, và với nhân dân Trung Quốc cũng như vậy. Bằng những hành động chính nghĩa, sự chịu đựng, tuyên truyền làm cho nhân dân Trung Quốc dần dần người ta thấy là nhân dân Việt Nam có lý.
Mặc Lâm : Xin cám ơn nhà ngoại giao Dương Danh Dy đã giúp cho chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này.
 Nguồn RFA:      
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/when-china%20attack-vn-ml-05192011130133.html


 Bài thứ hai:

Cần đổi mới chính trị song song đổi mới kinh tế

2011-05-19
Lần đầu tiên một cuộc tọa đàm do tạp chí Cộng sản tổ chức với sự góp mặt của nhiều nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu chiến lược và học viện lớn.

AFP photo
Pano tuyên truyền Đại hội ĐCSVN lần 11 tại Hà Nội hôm 17 Tháng 1, 2011.
Cuộc tọa đàm xoay quanh vấn đề sau hơn 20 năm đổi mới, thể chế kinh tế phát triển chưa tương thích với thể chế chính trị. Trong cuộc tọa đàm này, nhiều ý kiến thẳng thắn đã nêu lên vấn đề tụt hậu của chính trị so với kinh tế đang làm cho chính cỗ xe kinh tế bị ngáng chân và nhất là những đóng góp vẫn bị cho là nhạy cảm cũng được đem ra mổ xẻ.
Mặc Lâm phỏng vấn luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên phó chủ tịch Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc thành phố Hồ Chí Minh để biết thêm ý kiến một đảng viên cao cấp trước vấn đề này.

Phải đổi mới chính trị

Mặc Lâm: Thưa ông qua buổi tọa đàm do tạp chí Cộng sản tổ chức mà ông đã biết, ý kiến của ông về sự đổi mới chính trị mà cuộc tọa đàm nêu ra có thiết thực trong hoàn cảnh hiện nay hay không?
Ông Lê Hiếu Đằng: Theo tôi chính cái đổi mới chính trị mới là quan trọng bởi vì nó sẽ là động lực thúc đẩy cho kinh tế phát triển và nhất là vấn đề dân chủ. Nó sẽ thực hiện cái quyền dân chủ của người dân. Bởi vì nếu chúng ta đổi mới kinh tế nhưng thành quả kinh tế lọt vào tay các tập đoàn, cá nhân và nó nuôi dưỡng tham nhũng tiêu cực. Ví dụ như các nguồn vốn ODA hay các viện trợ quốc tế khác nếu sử dụng không đúng, gây thất thoát nhiều thì nay mai con cháu của chúng ta sẽ nợ nần rất dữ. Do đó phải đổi mới về mặt chính trị và có một cơ chế giám sát thật sự, tức là một chế độ dân chủ thật sự để người dân có thể giám sát được hoạt động kinh tế.
Bây giờ rõ ràng là người dân không thể nào giám sát những hoạt động kinh tế mà kinh nghiệm Vinashin và các tập đoàn khác mà nay đang đổ bể là một kinh nghiệm rất rõ. Những đơn vị kinh tế nhà nước, vốn nhà nước thật ra đó là tiền của nhân dân, chứ nhà nước làm gì mà có tiền? Qua thuế, qua những nhiệm vụ đóng góp khác thì dân đã đóng góp và tiền của đó bây giờ nó mất rất là lớn.
Về đầu tư công nếu chúng ta không có một thay đổi thể chế chính trị, có nghĩa là đổi mới về mặt chính trị, trong đó có việc xây dựng một nhà nước pháp quyền thật sự đi đôi với một xã hội công dân thì lúc đó tình trạng thất thoát tham nhũng sẽ ngày một trầm trọng hơn.
Mặc Lâm: Tại sao phải đổi mới chính trị khi mà cuộc đổi mới kinh tế đã chứng minh rằng Việt Nam đang đi đúng hướng từ nhiều năm qua. Liệu khi đổi mới chính trị có thể làm thay đổi những gì mà kinh tế đang đem lại hay không?
Phải đổi mới về mặt chính trị và có một cơ chế giám sát thật sự, tức là một chế độ dân chủ thật sự để người dân có thể giám sát được hoạt động kinh tế.
Ông Lê Hiếu Đằng
Ông Lê Hiếu Đằng: Trên thực tế trong thời gian qua rõ ràng đổi mới kinh tế thì có, mà sự đổi mới kinh tế này tôi cho không phải là do tự giác mà do tình thế nó buộc phải đổi mới chứ nếu không thì nền kinh tế sẽ sụp đổ. Nếu tự giác thay đổi thì đôi lúc nó lại khác nữa, trong khi đó đổi mới chính trị thì gần như là không thay đổi gì, thậm chí tôi thấy nó có nhiều cái thụt lùi. Lĩnh vực dân chủ thụt lùi. Tôi nói ví dụ về báo chí chẳng hạn, báo chí trước đây còn nêu vấn đề tham nhũng thế này thế kia còn bây giờ thì không dám nói gì cả. Cái quyền được thông tin và công luận giữ vai trò rất quan trọng trong xã hội vì vậy sự thụt lùi về dân chủ sẽ làm cho tình hình ngày càng nghiêm trọng thêm.
Mặc Lâm: Ông từng ở vị trí lãnh đạo của Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Thành phố HCM rất lâu, ông nhận xét vai trò của tổ chức này ra sao trong nhiệm vụ làm gạch nối giữa người dân và chính quyền?
Ông Lê Hiếu Đằng: Vai trò Quốc hội, vai trò Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể một cách thẳng thắn mà nói bây giờ cũng chỉ là hình thức mà thôi. Tức là công cụ để công khai một vấn đề gì đã được quyết định. Quyết định của lãnh đạo đảng cộng sản. Tôi nói ví dụ như vấn đề Vinashin chẳng hạn, ông Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đứng trước Quốc hội lại tuyên bố rằng Bộ chính trị cho rằng không có cá nhân nào trong hội đồng chính phủ sai phạm. Tôi cho cái đó là không đúng. Không đúng ở chỗ là có thể ý kiến đó là ý kiến của Bộ chính trị nhưng phải thông qua một thể thức nào đó chứ nói như ông Phó thủ tướng thì các cơ quan điều tra làm sao làm việc?
Dư luận người ta phê phán việc này rất dữ. Theo tôi muốn thay đổi hay đổi mới về chính trị thì tôi nghĩ quan điểm của nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An tôi cho là đúng đắn. Phải trở lại Hiến pháp năm 1946. Phải trở lại tôn trọng quyền công dân mà hiến pháp công nhận, nhất là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, thì mới có thể gọi là đổi mới chính trị một cách thật sự.

Trách nhiệm của giới trí thức

Mặc Lâm: Ông có nghĩ rằng lãnh đạo trong Bộ chính trị cũng muốn thay đổi diện mạo chính trị của đảng, nhưng vì một nguyên nhân tế nhị nào đó khiến họ không thể vượt qua được hay không?

000_Hkg4791086-200.jpg
Hai phụ nữ đi qua một tấm áp phích tuyên truyền đấu tranh chống lại "tệ nạn xã hội" hôm 11/4/2011. AFP photo
Ông Lê Hiếu Đằng: Theo tôi việc thay đổi trong chính trị là rất khó vì thực chất một số vị trong lãnh đạo không muốn. Họ sợ. Sợ đổi mới chính trị thì nó cái gì đó phức tạp thành ra chúng ta không thể chờ đợi cái sự thay đổi này mà tôi nghĩ bằng cái đấu tranh, bằng xây dựng xã hội công dân để tạo ra áp lực xã hội. Về mặt kinh tế cũng vậy, không phải tự giác thay đổi mà do sự sụp đổ của Liên xô, rồi tình hình kinh tế quá khó khăn như khi miền Nam giải phóng thì buộc các vị lãnh đạo phải đổi mới.
Tôi nhớ là trong cuộc hội thảo giáo sư Đào Công Út ông ấy nói là không phải Đảng đổi mới mà là nhân dân đổi mới. Bởi vì đã có nhiều người người ta đổi mới một cách âm thầm và bí mật và thậm chí là bị kỷ luật như là ông bí thư Kim Ngọc.
Tôi đã phát biểu nhiều lần rằng các vị lãnh đạo muốn hay không muốn thì các vị cứ làm, nhưng trách nhiệm của người công dân Việt Nam nhất là giới trí thức phải tạo một xã hội dân sự, ở đó thể hiện được các quyền công dân.
Mà muốn như vậy thì vấn đề hiện nay như tôi vừa đọc bài viết của bà TS Nguyễn Thị Từ Huy trên trang Bauxit.vn thì phải đánh tan nỗi sợ. Phải thấy trách nhiệm của công dân nhất là của trí thức trong tình hình hiện nay. Không nên sợ quá mà mất đi trách nhiệm của mình. Cái mà Phan Chu Trinh gọi là phải chấn dân khí. Chúng ta không thể để sự hy sinh trong chiến tranh của chúng ta đổ sông đổ biển được.
Mặc Lâm: Ông có nghĩ rằng từ việc đề nghị và thực sự bắt tay vào làm là một quá trình gian nan có khi phải một hay hai thế hệ nữa mới đi vào thực tiễn hay không?
Ông Lê Hiếu Đằng: Khi đặt vấn đề đổi mới kinh tế phải đi đôi với đổi mới chính trị thì rất là đúng nhưng mà có đổi mới thật sự hay không về mặt chính trị thì đó còn là một vấn đề nữa. Đây là vai trò của xã hội công dân của những người trí thức. Của những người vẫn còn có cái ưu tư, có tâm nguyện muốn xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, dân chủ như di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại. Bởi vì chủ tịch Hồ Chí minh đâu nói gì đến Chủ nghĩa xã hội?
Mặc Lâm: Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược và khoa học Bộ Công an đã nêu lên ý kiến rằng sự trì trệ, yếu kém và tha hóa của một bộ phận cán bộ trong hệ thống chính trị đã cản trở phát triển kinh tế, xã hội. Ông có đồng tình với ý kiến này không?
Vai trò của người dân nhất là trí thức phải có tiếng nói đấu tranh quyết liệt với hiện tượng này chứ không thể ngồi thụ động chờ cho có sự thay đổi được!
Ông Lê Hiếu Đằng
Ông Lê Hiếu Đằng: Đúng! đây là điểm mấu chốt hiện nay. Bởi vì trong hệ thống chính trị hiện nay có một bộ phận cán bộ lãnh đạo, kể cả lãnh đạo cao đã bị các tập đoàn kinh tế chi phối do đó đôi lúc không đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc lên trên mà vì lợi ích cá nhân hay của tập đoàn của mình mà hành xử.
Việc này hết sức nguy hiểm mà muốn thay đổi những người này thì trước hết phải nói là trách nhiệm của Đảng cộng sản. Tôi với tư cách đảng viên tôi cũng có trách nhiệm trong việc đó bởi vì toàn bộ những vị đó toàn là đảng viên Đảng cộng sản cả.
Cái thứ hai nữa là vai trò của người dân nhất là trí thức phải có tiếng nói đấu tranh quyết liệt với hiện tượng này chứ không thể ngồi thụ động chờ cho có sự thay đổi được!
Mặc Lâm: Ông Cương cũng báo động rằng "Quyền lực không được giám sát là quyền lực sẽ bị tha hóa. Đó là tất yếu và không có ngoại lệ". Việc thiếu sự giám sát của công chúng hiện nay sẽ dẫn nền kinh tế Việt Nam đi đến chỗ bế tắc vì một vài cấp lãnh đạo cao nhất đã có biểu hiện suy thoái, ông có đồng ý với nhận định này hay không?
Ông Lê Hiếu Đằng: Tôi cho là ý kiến của Thiếu tướng Lê Văn Cương rất là đúng. Đúng ở chỗ là bất cứ một chánh quyền nào dù lúc đầu rất tốt nhưng nếu không được nhân dân giám sát thì sẽ suy thoái, sẽ tham nhũng, sẽ tiêu cực. Cái quy luật chung của con người là vậy, anh không được quản lý giám sát thì dần dần anh sẽ sa vào những việc làm tệ hại!
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.

Nguồn RFA:

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/eco-reforms-political-reforms-ml-05192011173329.html
Bài thứ ba:

Để “mọi quyền hành, lực lượng đều nơi dân”

Hồ Chí Minh đã khẳng định "quyền hành và lực lượng đều nơi dân" là nguyên tắc chỉ đạo xuyên suốt quá trình dựng nước.


Cách đây 64 năm, Hồ Chí Minh từng chân thành bộc bạch : "Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận".1 Chắc không dễ để "xin thừa nhận khuyết điểm đó", nhưng Hồ Chí Minh đã công khai viết điều đó lên báo.
Hôm nay, liệu có thể nói như Hồ Chí Minh : trong gần chín chục triệu người, chắc không thiếu người có tài có đức. Học theo Hồ Chí Minh, nếu vào dịp này, đưa được những người tài đức ấy tham gia vào "cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất" sẽ càng làm cho nhà nước của dân, do dân và vì dân càng có ý nghĩa thực tế chứ không là một khẩu hiệu suông.
Để làm được điều này, cùng với những điều vừa nêu, cần hiểu thật rõ về pháp quyền và nhà nước pháp quyền, điều mà Hồ Chí Minh đã nêu ra từ rất sớm như vừa trích dẫn ở trên.
Dân chủ phải được đảm bảo bằng luật pháp
Trong lịch sử của xã hội loài người, quyền con người và quyền công dân là những vấn đề có ý nghĩa bức xúc về thực tiễn cũng như về lý luận vì theo J.J Rousseau, nhà tư tưởng của thế kỷ khai sang : "Con người sinh ra đã là tự do, vậy mà ở khắp mọi nới con người lại bị cùm kẹp".
Từ khi cuốn "Khế ước xã hội" của Rousseau ra đời, trong tư duy của loài người, quyền lực dường như vô hạn của vua, chúa đã bị hạ bệ với việc khẳng định quyền của dân, xuất phát từ dân, Nhà nước được xem như là người ký hợp đồng với quốc dân. Vậy là, trong trạng thái tự nhiên, con người sinh ra đã là bình đẳng, nhưng khi hợp thành xã hội, con người mất bình đẳng. Và rồi con người "chỉ trở lại bình đẳng nhờ có luật pháp". Đó là tuyên ngôn của những nhà "Khai Sáng".

Sự bình đẳng song hành cùng với tự do. Đương nhiên, trong liên hệ gắn kết với luật pháp của chế độ dân chủ, có mối liên hệ đan xen trực tiếp với tự do, mà tự do luôn là phạm trù chính trị -xã hội mang tính lịch sử cụ thể. Tuỳ trình độ của sản xuất và thành tựu của văn minh mà từng giai đoạn lịch sử khát vọng tự do của con người có thể thực hiện được đến đâu. Hồ Chí Minh thấm thía điều đó. Và từ sự nung nấu ấy mà trọn vẹn cả cuộc đời, Hồ Chí Minh dành cho sự nghiệp giải phóng con người, giải phóng dân tộc, đem lại tự do cho con người, thực hiện lý tưởng "sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người", đó là sự đúc kết khát vọng của con người, của loài người.
Trên con đường thực hiện mục tiêu cao cả đó, có không biết bao nhiêu trở ngại cần phải vượt qua. Trong đó, oái oăm thay, có những trở ngại do chính sự lạc hậu và lạc điệu của nhận thức về con đường thực hiện khát vọng tự do đích thực, về phương thức đấu tranh để giành tự do và thực hiện tự do cho con người trong những điều kiện lịch sử cụ thể chứ không phải bằng những giáo điều đã học thuộc lòng nhưng đã bị cuộc sống vứt bỏ. Và rồi người ta sớm nhận ra một sự thật : nơi đâu luật pháp chưa được xác lập một cách công khai và minh bạch,được thực hiện một cách quang minh chính đại, nơi ấy chưa thể có tự do.
Với Montesquieu, dân chủ không chỉ là sự kết hợp được dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện mà là một nền dân chủ có sự ước chế lẫn nhau giữa các chủ thể trong xã hội, một nền dân chủ được cụ thể hoá và được bảo đảm bằng pháp luật. Bước ngoặt mà nhà "khai sáng thuộc thế hệ thứ nhất" này tạo ra trong triết học chính trị và trong quan niệm về dân chủ được hiểu là dân chủ pháp quyền. Cũng có nghĩa là dân chủ chỉ có thể được thực thi khi người dân có một nhà nước đảm đương được sứ mệnh cao cả quản lý và hướng dẫn sự vận hành của mọi họat động xã hội. Đó là nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Tư tưởng vĩ đại này được khởi nguồn từ diễn văn của Abraham Lincoln đọc tại nghĩa trang quốc gia Gettysburg của nước Mỹ ngày 19.11.1863 : "...chúng ta ở đây có quyết tâm cao độ để cho những người đã ngã xuống sẽ không chết một cách oan  uổng - rằng quốc gia này  sẽ có một cuộc sinh đẻ mới của tự do - và rằng chính quyền này của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, sẽ không biến mất khỏi trái đất này...". Tinh thần cơ bản của nó chính là kiểm soát quyền lực nhà nước là nội dung, cấu trúc và là tiêu chí của nền dân chủ. Quyền lực nhà nước ấy hướng tới sự bình đẳng, tự do, công lý và khoan dung. Đó chính là khát vọng của con người về một xã hội được tổ chức để cho con người có thể sống hạnh phúc.
Và cũng phải nói thêm rằng, có lẽ không nhiều dân tộc trên trái đất này từng phải trả một giá xương máu quá đắt như dân tộc ta để có được một nhà nước của dân , do dân và vì dân đích thực, để rồi khi cầm lá phiếu bầu những người đại diện cho mình vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ấy, mỗi người công dân với tư cách là một cử tri sẽ phải tự nhủ rằng "chúng ta ở đây phải có quyết tâm cao độ để cho những người đã ngã xuống sẽ không chết một cách oan uổng".
Pháp quyền ở trên Nhà nước
Để đảm bảo cho điều đó, phải xây dựng một nhà nước pháp quyền đích thực. Mà vấn đề cơ bản nhất, cũng là tư tưởng chủ đạo của nhà nước pháp quyền là pháp quyền ở trên nhà nước. Theo nguyên lý của tư tưởng pháp quyền đó, nhà nước phải được tổ chức theo nguyên tắc "tam quyền phân lập". Mục đích của sự phân quyền đó là trong cơ cấu quyền lực có sự kiểm tra, kiểm soát lẫn nhau nhằm tránh sự độc quyền, lạm quyền. Nhà nước và công chức chỉ làm được những điều luật pháp cho phép còn dân thì được phép làm tất cả những điều gì mà luật pháp không cấm. Để đảm bảo dân uỷ quyền mà không mất quyền, không bị tiếm quyền thì công việc của nhà nước và các cơ quan công quyền phải công khai và minh bạch trước dân, dân có quyền tham gia vào việc hoạch định pháp luật, giám sát và kiểm soát. Toàn bộ những ý tưởng lớn đó được xác lập từ sự phân biệt giữa "nhà nước pháp quyền" với tất cả các kiểu loại nhà nước trước đó trong lịch sử loài người.
Nền tảng được xác lập để phân biệt thật rạch ròi chỉ ở một điểm : với nhà nước pháp quyền, quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân. Đây là xuất phát điểm để xác lập sự khác biệt căn bản giữa nhà nước pháp quyền với các kiểu loại nhà nước không pháp quyền.
Ở các kiểu loại nhà nước không pháp quyền, mệnh lệnh được ban ra trực tiếp từ chủ thể nắm giữ quyền lực dưới các hình thức như chiếu chỉ, sắc dụ, sắc lệnh, nghị quyết...thành văn bản hay mệnh lệnh được phát ngôn, đều là những mệnh lệnh tuyệt đối một chiều từ trên xuống, không có sự phản hồi, càng không thể có sự phản biện xã hội dưới bất cứ hình thức nào, hoặc nếu có thì chỉ là hình thức mị dân. Ở đó, quyền lực được tập trung vào độc quyền cá nhân (nhà vua) hay một nhóm người định đoạt mọi vấn đề của đất nước. Đồng thời, sự chuyển giao quyền lực giữa các chủ thể quyền lực là cơ chế nối truyền (gia đình, dòng tộc, các nhóm quyền lực cùng lợi ích), quần chúng nhân dân đứng ngoài tiến trình này. Hoàn toàn ngược lại với những điều ấy, với nhà nước pháp quyền, quyền lực là của nhân dân và chỉ ở nhân dân mà thôi.
Quyền hành và lực lượng đều nơi dân
Hồ Chí Minh đã khẳng định "quyền hành và lực lượng đều nơi dân" là nguyên tắc chỉ đạo xuyên suốt quá trình dựng nước. Trên tinh thần đó, Hồ Chí Minh nghiêm khắc vạch ra : "Dân chủ thì Chính phủ phải là đày tớ. Làm việc ngày nay không phải để thăng quan phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ" 9. Dựa vào đâu mà thực hiện điều "động trời" này? Dựa vào "pháp quyền". Đây là một cột mốc trong tư tưởng về nhà nước.
Tư tưởng ấy chính là nền tảng của nhà nước pháp quyền mà Hồ Chí Minh là người đặt những viên gạch đầu tiên. Tuy nhiên, mãi đến Đại hội VIII của Đảng, khái niệm "nhà nước pháp quyền" mới chính thức đi vào đời sống chính trị của nước ta, đánh dấu một cột mốc trong tư duy về Nhà nước của Đảng trở lại với nguyên lý mà Hồ Chí Minh đã chỉ ra từ những ngày chính quyền cách mạng còn trong trứng nước. Và Hồ Chí Minh đã chứng minh sống động tư tưởng ấy trong thực tiễn của cách mạng, kháng chiến và xây dựng đất nước.
Quá trình đến được với tư tưởng nhà nước pháp quyền, từ lúc manh nha cho đến lúc chính thức được đưa vào Hiến pháp sửa đổi, vào Nghị quyết phải mất hơn nửa thế kỷ, là một minh chứng quá cụ thể và không kém phần xót xa. Mặc dầu với tầm cao của tư duy Hồ Chí Minh, tư tưởng nhà nước pháp quyền đã được thể hiện trong Tuyên Ngôn Độc Lập 2.9.1945, trong Hiến pháp 1946, nhưng rồi sau đó nó bị chìm đi cho mãi đến mươi năm trở lại đây mới chính thức được khẳng định trở lại.
Khi đất nước chúng ta đang đẩy tới quá trình hội nhập đi vào chiều sâu với vị thế mới trên trường quốc tế và khu vực thì cùng với những phấn đấu không mệt mỏi trong phát triển kinh tế để nâng cao mức sống của nhân dân ta, mức sống vật chất và mức sống tinh thần, thì việc xây dựng một nhà nước pháp quyền đích thực với nền móng vững chắc của nó như một số quốc gia đã đạt tới là một đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Xét đến cùng, những "cam kết" với quốc tế không gì khác là những ràng buộc về pháp lý. Đó là một trong những thử thách lớn nhất khi nước ta chủ động dấn bước trên con đường hội nhập mà bước ngoặt quan trọng là gia nhập vào Tổ chức thương mại Thế giới. Khi đã là thành viên thứ 150 của WTO rồi, thì thực hiện những cam kết không những là nghĩa vụ mà còn là danh dự quốc gia, trong khi đó, chất lượng pháp luật và năng lực thể chế lại là cái mà chúng ta đang phải khắc phục những yếu kém để có thể không lạc hậu và lạc điệu với các chuẩn mực quốc tế.
Chỉ cần dẫn ra những điều mà có lần một vị Chánh án TANDTC tường trình về sự thiếu hụt trầm trọng đội ngũ thẩm phán, những người nắm "cán cân công lý", khiến phải "cố vơ vét, bổ nhiệm cho đủ" là có thể thấy rõ điều đó. Thậm chí "có khi lái xe, đánh máy đưa lên làm thẩm phán. Thế là lại phải cho họ đi học tại chức rồi về phải"đôn" họ lên"! Không chỉ có thế, "về hệ thống pháp luật, chúng ta đã cố gắng làm rất nhiều nhưng có phải tất cả các lĩnh vực xã hội đều đã có pháp luật điều chỉnh đâu. Các luật chuyên ngành có mâu thuẫn với luật gốc, luật cơ bản hay không? Các quy phạm đã rõ ràng, rành mạch, hiểu theo một nghĩa chưa? Một quy định mà công an hiểu thế này, viện kiểm sát hiểu thế kia, tòa án hiểu thế khác, hội đồng sơ thẩm hiểu một kiểu, cuối cùng phải biểu quyết" 10 . Quả thật đây là một thực trạng đáng báo động . Những sự kiện gần đây càng cho thấy sự bức xúc ấy.
Hơn nữa, có một thực tế mà ai cũng thấy: vi phạm quyền dân chủ là thói quen khó bỏ của người nắm quyền. Bởi lẽ, quyền lực nhà nước, xét cho kỹ, tự thân nó đã chứa đựng một khả năng lạm quyền, chuyên quyền. Cho nên trong thực tế, bất kỳ một loại quyền lực nào cũng có khuynh hướng tăng cường hơn nữa, tăng cường vô hạn độ quyền lực của mình, cả trên bình diện cá nhân cũng như trên bình diện tổ chức. Đấy là chưa nói đến một thực tế phũ phàng đã từng được đúc kết thành quy luật : "Quyền lực có xu hướng tham nhũng. Quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng cũng tuyệt đối" [Lord Acton]. Thực hiện nguyên lý "pháp quyền ở trên nhà nước" làm điểm tựa cơ bản để xây dựng một nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân là tiền đề quyết định để khắc phục dần và đi đến xóa bỏ thực tế phũ phàng đó.
Kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh năm nay đúng vào dịp cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII, nhắc lại tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp quyền và nhà nước pháp quyền chính là cách thiết thực học tập tư tưởng Hồ Chí Minh một cách sống động nhất.

Nguồn : Tuần Việt Nam

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-05-20-de-moi-quyen-hanh-luc-luong-deu-noi-dan-
Bài thứ tư:


Vì dân hay dọa dân?

Người viết bài chợt nghĩ tới Cụ Hồ, luôn dạy cán bộ: "Xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân", mà chán cho mấy ông quan huyện này quá. "Vì dân" chưa thấy đâu mà chỉ thích....dọa dân.
Ngày 4-5, VietNamNet đưa tin ông Phan Thanh Lai, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đạ Hoai (Lâm Đồng) bị ông Trần Đăng Khoa, ngụ tại khu phố 3 thị trấn Mađagui của huyện này, làm đơn tố cáo đã dùng súng ngắn uy hiếp gia đình ông.
Cơ sự thế này: Cuối tháng 10/2020 Vợ chồng con trai ông Lai vay của gia đình ông Khoa 470 triệu đồng- một khoản tiền khá lớn. Sau nhiều lần hứa hẹn, cuối cùng họ tuyên bố vỡ nợ không có khả năng chi trả. Vào ngày 8-3-2011, ông Khoa có gọi cho chị Dương Trùng Dương, con dâu ông Lai nói chuyện phải trái: "Nếu vợ chồng em không trả nợ cho anh thì anh sẽ phải bán nhà trả nợ cho ngân hàng, sau đó anh sẽ dọn sang nhà em ở luôn".
Không biết chị Dương, con dâu ông Lai về nhà tiếp tục "trái phải" thế nào cho bố chồng nghe, mà ông Lai nổi giận đùng đùng, cầm luôn khẩu súng ngắn K 59 sang nhà chủ nợ của con dâu lên đạn, chĩa súng thẳng vào vợ chồng ông Khoa: "Hôm nay tao qua đây, ăn thua đủ với vợ chồng mày...". Vợ ông Khoa thấy họng súng đen ngòm thì hoảng quá, ngất xỉu. Biết gặp phải "hình sự' rồi, ông Khoa tính đường thoát thân, thì bị ông Lai chặn lại, dí súng vào đầu: "Mày bước vô nhà không, tao bắn vỡ sọ", rồi tiếp tục uy hiếp, chửi rủa chủ nợ suốt 10 phút sau đó.

Vợ chồng ông Khoa kể chuyện bị cựu Chủ tịch huyện đe dọa.
Phải tới khi con trai ông là Phan Thanh Lợi chạy qua mới lôi được ông về, nhưng cựu chủ tịch huyện vẫn còn dọa lần cuối: "Tao thách mày kiện tao"
Đương nhiên, ông Khoa sau phút hoàn hồn, thì thực hiện đúng lời ông cựu chủ tịch huyện nhắn gửi.
Chuyện vỡ lở, bàn dân thiên hạ đều biết. Ông cựu chủ tịch huyện khi đương chức, chả ai biết ông là ai, ngoài mỗi cái huyện ông quản lý. Khi nghỉ hưu, phút chốc lại nổi tiếng toàn xã hội bởi cái hành vi vi phạm pháp luật: Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng và đe dọa giết người. Nhưng người dân thì không khỏi bàn tán, vì sao đang là quan hệ dân sự, bỗng chốc ông cựu chủ tịch huyện lại cứ thích chuyển thành quan hệ "hình sự"?
Nên biết thêm, ông Lai từng giữ các cương vị quan trọng: Chủ tịch UBND huyện Đạ Hoai, Chủ tịch UBND huyện Đam Rông và trước khi nghỉ hưu năm 2010, ông còn là Bí thư Huyện ủy Cát Tiên. Tức là người phải nắm rất vững về nguyên tắc ứng xử theo quy định pháp luật và đạo đức đảng viên.
Trước đó, ngày 28-4, Tam nhin.net đưa bài: "Hình ảnh súng thần công trước trụ sở UBND huyện nói gì?". Thì ra, những người dân lần đầu đến trụ sở HĐND - UBND Đức Thọ (Hà Tĩnh) không khỏi ngỡ ngàng và phát sợ khi thấy phía trước tiền sảnh trụ sở là 2 "ông" súng thần công ngạo nghễ vươn nòng. 1 ông chĩa nòng về phía đông bắc, ông kia chĩa nòng phía đông nam.
Người am hiểu bảo, xưa nay súng thần công chỉ trang trí ở viện bảo tàng, hoặc doanh trại quân đội, biểu trưng cho sức mạnh quân sự. Đố thấy ở đâu, súng thần công đặt trước UBND. Hơn nữa, diện mạo chính quyền, nơi hàng ngày phải tiếp dân, lắng nghe dân bao giờ cũng phải thể hiện sự lịch sự, văn hóa, khiến dân cảm giác thân thiện. Đó cũng chính là tư tưởng, là triết lý lãnh đạo của hệ thống chính trị một quốc gia, từ cấp cao đến cơ sở.
Thế mà ở đây, huyện Đức Thọ có phong cách rất khác đời- một mình chơi một kiểu!
Có lẽ cũng biết những lời bàn ra tán vào của dân, nên sau đó ít lâu, ở ngực 2 ông thần công bỗng lủng lẳng tấm biển đề: "Nhân dịp kỉ niệm 65 năm ngày thành lập QĐNDVN 20 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân. Chi hội Doanh nghiệp huyện Kính tặng UBND huyện Đức Thọ". Dân Đức Thọ lại một phen bán tín bán nghi: Quà tặng nhân ngày QĐNDVN thì địa chỉ được tặng phải dính líu tới súng ống, như Ban Chỉ huy Quân sự huyện mới phải.
Người ta đi hỏi tiếp ông Chi hội Doanh nghiệp huyện, thì ông Đoàn Minh Khoa, Chi hội trưởng Doanh nghiệp huyện (từ 2006 đến 2010), rồi cả một số doanh nghiệp cũng chả ai biết 2 cái khẩu thần công đó ở đâu ra.
Chuyện 2 ông thần công chĩa thẳng ra 2 hướng đằng đằng sát khí, cũng chưa ngã ngũ, hệt chuyện ông cựu chủ tịch huyện Đạ Hoai (Lâm Đồng) dí súng vào đầu dân. Tuy nhiên dư luận ở Đức Thọ thì vẫn nghi có gì đó không trung thực trong cái món quà tặng đặt không đúng địa chỉ này.
Còn người viết bài chợt nghĩ tới Cụ Hồ, luôn dạy cán bộ: "Xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân", mà chán cho mấy ông quan huyện này quá.
"Vì dân" chưa thấy đâu mà chỉ thích....dọa dân.

Nguồn: Tuần Việt Nam
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-05-20-vi-dan-hay-doa-dan-

Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

Quán triệt… trúng cử”


Đăng bởi bauxitevn on 20/05/2011 (Nguồn BVN)

Trần Thanh Chương
Các địa phương đang rục rịch chuẩn bị cho ngày bầu cử Quốc hội. Ở đâu không biết, riêng Nghệ An quê tôi việc tổ chức bầu cử không hiếm chuyện cười ra nước mắt!
Lãnh đạo xứ Nghệ hay dùng cụm từ “quán triệt”. “Quán triệt vào HTX”, “Quán triệt dời dân vô rú”, “Quán triệt sinh đẻ có kế hoạch”… và bây giờ lại “Quán triệt… trúng cử”.
Chuyện đang xảy ra ở Đại học Vinh.

Cách đây mấy hôm một số vị lãnh đạo cấp tỉnh xuống làm việc với Đại học Vinh về vấn đề bầu cử. Không biết nội dung làm việc thế nào, chỉ biết sau đó ở Đại học Vinh, các đoàn viên thanh niên nhận được bản “Hướng dẫn nội dung sinh hoạt lớp, chi đoàn chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016”. Điều 6 của bản HƯỚNG DẪN này được “quán triệt” như sau (nguyên văn – Tg):
6. Quán triệt đắc cử: Việc bầu cử, chọn ai, bầu ai là lựa chọn của cử tri. Tuy nhiên, các cấp ủy Đảng đã chỉ đạo để cử tri của Trường Đại học Vinh biết sự chỉ đạo của Đảng về bầu cử như sau:
6.1. Bầu cử Quốc hội khóa XIII:
TT Họ và tên Chức vụ/Đơn vị công tác Quán triệt
1 Nguyễn Minh Hồng Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XII, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ y học Việt Nam Quán triệt
trúng cử
2 Hoàng Thị Thanh Minh Trưởng ban chính sách pháp luật Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tỉnh Nghệ An
3 Trịnh Ngọc Sơn Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Nghệ An
4 Lê Thị Tám Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban chấp hành trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tỉnh Nghệ An Quán triệt
trúng cử
5 Trần Hữu Tuất Thiếu tướng, Ủy viên ban Thường vụ đảng ủy, Phó Tư lệnh Quân khu 4 Quán triệt
trúng cử
6.2. Bầu cử HĐND tỉnh Nghệ An
TT Họ và tên Chức vụ/Đơn vị công tác Quán triệt
1 Nguyễn Thị Hồng Anh Trưởng phòng tuyên truyền hỗ trợ, Cục Thuế Nghệ An
2 Trần Hồng Châu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quán triệt
trúng cử
3 Nguyễn Đình Hòa Cục trưởng Cục Thuế Nghệ An Quán triệt
trúng cử
4 Nguyễn Xuân Sinh Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Vinh Quán triệt
trúng cử
5 Hồ Quang Thành Giám đốc Sở thông tin và truyền thông tỉnh Nghệ An Quán triệt
trúng cử
6 Nguyễn Thị Hoàng Thoa Phó Chủ tịch liên hiệp phụ nữ TP Vinh
Nhìn vào bản “quán triệt” này thiết nghĩ còn bầu cử làm gì cho tốn tiền tốn sức của nhân dân… Ôi, chuyện bầu cử ở quê hương Bác!
T. T. C.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
Ảnh – Bản hướng dẫn quán triệt để các ứng cử viên trúng cử

 

Thứ Năm, 19 tháng 5, 2011

Viết cho con (1)

Con thân yêu,
    Vậy là, thêm một lần nữa, ba lại phải xin lỗi con. Ba mong con hiểu cho ba một chút thôi cũng được.
    Con biết đấy, hôm nghỉ lễ 30/4 và 01/5 cả nhà mình cùng về quê. Đặc biệt, ngày 1/5 vừa rồi, lần đầu tiên khóa của ba (Hội đồng môn Hải Hậu 88-91) tổ chức Họp khóa, đồng thời kỷ niệm 20 năm ra trường. Hôm đó ba rất vui, nhất là con cũng đồng ý đi cùng với ba, mặc dù con chỉ chờ để xem múa sư tử là chính.
    Chủ nhật sau đó (8/5), công ty ba lại chuyển phòng (thay đổi vị trí các phòng làm việc). Mặc dù mọi việc chính đã xong xuôi từ hôm thứ bảy, nhưng vấn đề là các bác, các chú ở công ty ba lại tổ chức mừng công- nghĩa là chúc mừng công việc thành công tốt đẹp!Thế là sáng hôm đó, thay vì ba thực hiện lời hứa cho con thì con lại phải tháp tùng ba đi ...nhậu.
     Và ba đã đinh ninh 100% rằng: ngày Chủ nhật 15/5 cả nhà mình cùng đi xem.! Nhưng trớ trêu thay, khi ba có hỏi để đặt vé qua điện thoại thì được thông báo rằng: Rạp xiếc đã hết vé từ hôm trước!
     Hôm nay, ba viết cho con vài dòng để xin lỗi con đấy! Con biết không, chủ nhật tới này, ngày 22/5 lại là ngày Bầu cử- Ngày hội toàn dân con ạ. Cách đây vài hôm, ba đã nói với con sơ sơ rồi. Nhưng tất nhiên con đã chẳng hiểu gì. Con đã hỏi lại ba:
- Ba ơi Bầu cử là con gì?
(Khổ thế, chả là ba có nói với con là đi xem bầu cử)
   Hôm qua, ba đã nhận được thẻ cử tri. Ba tính, ba không thể không đi bầu. Bốn, năm năm mới được thực hiện quyền công dân con à!. Đó là quyền lợi! (Không biết có phải đồng thời là nghĩa vụ nũa hay không?). Vậy thì con nhé, thay vì đi xem Xiếc ba con mình sẽ đi và xem bầu cử. Ba cũng nói trước với con rằng tại các điểm bầu cử có rất nhiều cờ quạt, phướn treo, băng rôn và khẩu hiệu chẳng kém gì rạp xiếc. Chỉ có điều là con sẽ chẳng nhìn thấy con thú thật nào cả, lại nữa, con sẽ chẳng nhìn thấy anh hề nào!
  Nhưng biết đâu, con lại thích và không còn muốn đi xem xiếc nữa!
  Dù sao cũng tha lỗi cho ba, con nhé!
  Ba của con,
  TTK

Thứ Ba, 17 tháng 5, 2011

BỞI ĐÂU?

Đôi lời phi lộ:Trong vòng 10 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hằng năm của Việt Nam là 7,25% (Theo Wikipedia). Mấy hôm trước, đọc trên một số trang mạng, thấy TT Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị thường niên ADB :"Tuy đạt được nhiều thành tựu, Việt Nam vẫn là một nước nghèo, chặng đường phát triển phía trước còn rất nhiều khó khăn. Việt Nam sẽ huy động và sử dụng tốt nhất nội lực của mình, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ có hiệu quả hơn nữa của cộng đồng quốc tế, của các nhà tài trợ, trong đó có ADB và các nước thành viên".
http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2011/05/thu-tuong-viet-nam-van-la-nuoc-ngheo/


Cũng cùng ngày 5/5/2011, trên Tuổi trẻ có đăng tin:” Hơn 240.000 dân Thanh Hóa thiếu đói”.


                   BỞI ĐÂU?

Bởi đâu nên nỗi nước ta nghèo ?
Mấy chục vạn dân bụng đói meo !
Biển Bạc mất không con sóng vỗ!!!
Rừng Vàng còn có tiếng thông reo?
Lấy gương vài bác, ra hành tập
Dựa thuyết hai ông, đặng học theo ?!
Phát triển cho ai? Ai có biết:
Bởi đâu nên nỗi nước ta nghèo?

Tháng 5, 2011
TTK