Thứ Năm, 11 tháng 8, 2011

BÀ PHẠM CHI LAN: 5 THÁCH THỨC ĐẶT RA VỚI CHÍNH PHỦ MỚI



5 thách thức đặt ra với Chính phủ mới
Bất ổn kinh tế vĩ mô, tham nhũng, nhóm lợi ích, chênh lệch giàu nghèo và chủ quyền là 5 thách thức cần Chính phủ giải quyết trong nhiệm kỳ mới để đưa đất nước vượt qua vùng "nguy hiểm", theo chuyên gia Phạm Chi Lan.

> Tìm lời giải cho bài toán kinh tế Việt Nam
> Kỳ vọng vào quyết sách của lãnh đạo mới

Với kinh nghiệm hàng chục năm làm kinh tế, gắn bó cùng doanh nghiệp và tư vấn chính sách cho Chính phủ, bà Phạm Chi Lan chia sẻ với VnExpress.net kỳ vọng của mình về Thủ tướng và bộ máy điều hành mới.
Chuyên gia Phạm Chi Lan:
Chuyên gia Phạm Chi Lan: "Thập kỷ tới là thời gian vô cùng thách thức với Chính phủ và Quốc hội". Ảnh: T.T.
"Tôi cho rằng nhiệm kỳ 5 năm tới của Chính phủ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với vận mệnh của đất nước. Cũng vì thế mà nhiệm vụ và thách thức với Thủ tướng cũng như bộ máy điều hành mới vô cùng nặng nề.
Thách thức lớn nhất trong nhiệm kỳ mới chính là bất ổn kinh tế vĩ mô, thể hiện ở lạm phát, nhập siêu, nợ công, quản lý các tập đoàn nhà nước... Nếu không giải quyết được ngay trong 5 năm tới chúng ta khó lòng hoàn thành mục tiêu cho cả 10 năm. Một vị cựu Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới từng khuyến cáo Việt Nam sau khi thoát bẫy nghèo có thể tiến tới "vùng nguy hiểm" trong thập kỷ này. Vùng nguy hiểm được ông ấy phân tích chính là việc chúng ta vừa thoát khỏi nước nghèo và bắt đầu đặt chân vào mức thu nhập trung bình thấp, nếu không vượt qua được sẽ lại rơi vào điểm nghèo hoặc vướng ở mốc thu nhập trung bình thấp trong thời gian rất dài. Nếu như vậy, Việt Nam sẽ không thể hóa rồng mà chỉ ngấp nghé như Malaysia hay Thái Lan hiện nay mà thôi. 

Suốt 4 năm qua, kinh tế của chúng ta luôn trong tình trạng bất ổn. Ngoại trừ năm 2007, ngay sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mọi thứ đều thuận lợi, nhưng những năm sau đó khó khăn chất chồng. 2008 thì bất ổn vĩ mô nặng nề, lạm phát phi mã, nhập siêu cũng cao đỉnh điểm. Bước sang 2009 thì kinh tế suy giảm, doanh nghiệp khốn đốn, tăng trưởng không âm như các nước nhưng ở mức thấp kỷ lục. Đến năm 2010, tình hình cũng không tốt đẹp. Năm nay lạm phát lại cao, và những bất ổn vĩ mô thậm chí còn nghiêm trọng hơn cả năm 2008.

Khi kinh tế khó khăn, Chính phủ đã đưa ra các giải pháp tương đối cơ bản để ổn định vĩ mô, nhưng quá trình thực hiện chưa triệt để nên hiệu quả chưa cao. Chẳng hạn đầu 2008 chúng ta đưa ra 8 nhóm giải pháp quyết liệt chống lạm phát, ổn định vĩ mô, nhưng đến cuối năm xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu chúng ta lại bắt đầu thiên nhiều hơn về tăng trưởng, để rồi phải đưa ra các gói kích thích kinh tế hàng tỷ đôla. Cái giá để chống suy giảm như vậy quá đắt, hơn nữa nó lại thủ tiêu những nỗ lực thắt chặt, bình ổn trước đó. 

Năm nay cũng vậy, Nghị quyết 11 là ví dụ điển hình của việc đưa ra giải pháp trúng nhưng chưa được thực hiện triệt để, hiện mới tập trung nhiều ở lĩnh vực tín dụng. Thực hiện thắt chặt tín dụng cũng còn méo mó. Lẽ ra cần kiểm soát những lĩnh vực nóng như bất động sản, chứng khoán. Nhưng chúng ta lại thắt đại trà ở mọi lĩnh vực, mọi loại hình doanh nghiệp, mọi ngân hàng, cho dù Chính phủ đã có chủ trương ưu tiên vốn cho nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho xuất khẩu, để rồi nhiều doanh nghiệp nguy cơ chết oan.

Tuyên bố trong kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ cũ cho thấy Chính phủ đã nhận thấy những điểm chưa được trong quá trình triển khai 6 nhóm giải pháp vừa qua. Hy vọng, Chính phủ mới sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp này với tinh thần cương quyết hơn, đồng bộ hơn. Khi dùng các giải pháp mạnh để ổn định kinh tế vĩ mô ắt sẽ có nhiều lời kêu than. Nhưng tôi tin Chính phủ đủ công minh để xem xét đâu là than vãn đáng nghe, lời kêu đáng cứu. Tôi cũng tin Chính phủ có đủ năng lực quản lý, lắng nghe và sàng lọc những người có đủ năng lực điều hành kinh tế. Không thể để nền kinh tế của 86 triệu người bị ảnh hưởng bởi một vài người không đủ năng lực.

Thách thức thứ hai chính là tham nhũng. Luật Phòng chống tham nhũng được ban hành trong nhiệm kỳ Chính phủ vừa rồi, nhưng như một vị lãnh đạo cấp cao đã thừa nhận việc chống tham nhũng còn ít so với mong đợi và còn nhiều khó khăn trước mắt.

Tham nhũng hiện nay biến tướng phức tạp ở quy mô rộng hơn, tham lam hơn, làm thất thoát tài sản của dân nhiều hơn. Trong lịch sử chưa có vụ thất thoát nào lớn như Vinashin. Riêng chuyện nợ nần dây dưa giữa hai tập đoàn nhà nước là Petrovietnam và EVN đã lên tới hàng nghìn tỷ đồng. 

Bên cạnh đó còn có tham nhũng đất đai, tài nguyên thiên nhiên gây khiếu kiện kéo dài.

Tham nhũng sẽ làm lãng phí tài nguyên, nguồn lực của đất nước và về lâu dài sẽ đe dọa tăng trưởng kinh tế. Tham nhũng cũng sẽ làm xói mòn lòng tin của dân trong nước cũng như cộng đồng nhà đầu tư quốc tế. Muốn có tăng trưởng phải có nguồn lực, nhưng nếu nguồn lực bị lợi dụng, bị tham nhũng thì người dân sẽ không còn nhiệt huyết tham gia đóng góp nữa. Nhà đầu tư nước ngoài sau nhiều năm im lặng thì nay họ đã phải nói thẳng ra quan ngại của họ về vấn nạn tham nhũng. 

Bất bình đẳng gia tăng cũng là một thách thức mà theo tôi Quốc hội và Chính phủ nhiệm kỳ tới sẽ phải "nhức đầu" nhiều, phải cố gắng lo sao cho giảm bớt bức xúc của người dân. Điều này thực sự rất đáng tiếc. Trong suốt 25 năm đổi mới, Việt Nam được đánh giá cao về việc vừa tăng trưởng, vừa xóa đói giảm nghèo. Xóa đói giảm nghèo xét ở một góc độ nào đó có ý nghĩa như việc thu hẹp bất bình đẳng trong xã hội. 

Bất bình đẳng lớn nhất hiện nay chính là thu nhập. Điều tra mức sống trong dân của Bộ Lao động Thương binh Xã hội tiến hành 2 năm một lần cho thấy rất rõ khoảng cách thu nhập và tiêu dùng giữa 25% giàu nhất và 25% nghèo nhất đang gia tăng rất nhanh. Nếu như 2006, khoảng cách tiêu dùng giữa hai nhóm này là 6 lần thì 2008 là 8 lần, và điều tra gần đây nhất đã là hơn 9 lần. Nếu nói về tài sản, khoảng cách này còn lớn hơn nhiều, thậm chí tới cả nghìn lần.

Bất bình đẳng trong xã hội biểu hiện qua việc tích tụ tài sản đang tăng ở một số ít người, trong khi một số lớn người mất dần tài sản, dẫn tới khiếu kiện gia tăng đặc biệt trong lĩnh vực đất đai. Nếu những người dân mất đất được bồi thường thỏa đáng, hoặc họ không cảm thấy mất mát quá nhiều, thiệt thòi quá đáng thì không đến nỗi có những chuyện khiếu kiện như vậy.

Giải quyết bất bình đẳng xã hội đòi hỏi trách nhiệm trực tiếp của Chính phủ, phải rà soát lại cơ chế, quá trình tổ chức thực hiện. Nhưng vai trò của Quốc hội cũng rất lớn. Quốc hội rất cần quan tâm nhiều hơn và cùng với Chính phủ giải quyết, chứ không chỉ giám sát rồi chuyển sang Chính phủ xử lý. Những đại biểu, dù là doanh nhân tham gia vào Quốc hội cần phải nói lên tiếng nói của dân, những người bầu ra họ chứ không thể thờ ơ, vô cảm hoặc nói tiếng nói của những người đi ngược lại lợi ích của nhân dân. 

Chênh lệch giàu nghèo gia tăng cũng là thách thức cần Chính phủ giải quyết. Ảnh: Wall Street Journal
Chênh lệch giàu nghèo gia tăng cũng là thách thức cần Chính phủ giải quyết. Ảnh: Wall Street Journal
Thách thức thứ tư với Thủ tướng và Chính phủ mới chính là nhóm lợi ích. Nhiệm vụ của bộ máy điều hành mới là phải làm sao để lợi ích của sự phát triển được phân bổ đồng đều trong xã hội, cho đa số người dân. Đồng thời, phải kiềm chế những nhóm lợi ích ích kỷ, chỉ nghĩ cho cá nhân mình, gia đình mình, công ty và tập đoàn mình mà không nghĩ tới lợi ích chung của đất nước. 

Thậm chí kể cả lợi ích cục bộ của địa phương, các ngành cũng cần phải xem xét, sắp đặt, điều chỉnh cho đi đúng guồng chung của đất nước. Khi đã phân định, giao cho các ngành, các địa phương thì các vị đứng đầu phải điều hành sao cho sự phát triển của các ngành, địa phương hài hòa với lợi ích chung của đất nước. Chứ không thể để xảy ra chuyện cả nước thắt chặt tín dụng mà Bộ Xây dựng lên tiếng muốn gỡ cho doanh nghiệp bất động sản. Hoặc doanh nghiệp bất động sản vừa có đại diện trong Quốc hội đã ngay lập tức phát biểu thắt tín dụng bất động sản là không đúng.

Sự phối hợp thiếu ăn ý giữa các bộ ngành cũng đang làm giảm đáng kể hiệu quả của chính sách. Tài khóa không đi đôi với tín dụng, trong khi vốn ngân hàng thắt chặt thì cắt giảm đầu tư công lại không như mong đợi, khiến lạm phát vẫn leo thang và nhiều khả năng không giữ được mức 17% vào cuối năm nay.

Biết bao nhiêu trường hợp người dân kêu ca nhưng các cơ quan chức năng đá bóng cho nhau. Mỗi vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Nông nghiệp có trách nhiệm một phần, Y tế, Công Thương và Bộ Khoa học Công nghệ cũng có phần trách nhiệm. Nhưng rốt cục là chẳng ai chịu trách nhiệm trước người dân. Điển hình là vụ bức tử sông Thị Vải ở Đồng Nai, giữa Bộ và địa phương đá bóng cho nhau hoài mà không thổi phạt được Vedan, để đến mức phải sử dụng lực lượng xã hội, tức là phản ứng của người tiêu dùng tẩy chay mì chính Vedan thì họ mới chịu đền bù. 

Câu chuyện này thể hiện rõ sự kém cỏi trong phối hợp giữa các cơ quan, mà nguyên nhân có thể là thiếu trách nhiệm, thiếu bản lĩnh ở những người có trách nhiệm ở các bộ, các địa phương. Nếu không, xã hội sẽ quy cho anh chịu sức ép của nhóm lợi ích nào đó nên không dám nói, không dám làm.

Chính phủ nhiệm kỳ mới không dễ để xử lý những nhóm lợi ích đó. Nhưng tôi cho rằng, với bản lĩnh của mình, và khi đã rõ đường hướng, Chính phủ sẽ biết được đâu là những lợi ích cần được bảo hộ và không đáng để bảo hộ. 

Muốn giải quyết vấn đề nhóm lợi ích, cách tốt nhất là dựa tối đa vào người dân, lợi ích của đông đảo người dân là lợi ích của toàn xã hội. Phải xử lý mạnh tay, chấm dứt những yêu sách, đòi hỏi đi ngược lợi ích số đông, có như thế họ mới chùn tay. Nếu vẫn du di cho nhau, xuê xoa cho nhau thì nhóm lợi ích vẫn tiếp tục hoành hành theo cái cách của họ, ngày càng khôn ngoan hơn, trắng trợn hơn theo kiểu bất chấp tất cả. 

Vấn đề cuối cùng, nhưng không phải là vấn đề kém quan trọng nhất, đó là Biển Đông, hay mở rộng hơn chính là chủ quyền đất nước. Trong đáy lòng mình, tôi rất tin Quốc hội và Chính phủ vừa qua đã biết lo, nghĩ về vấn đề hệ trọng này nhưng có nhiều điều khó, không nói ra được với dân. Nhưng hy vọng Chính phủ mới bộc bạch nhiều hơn. Có những điều không tiện nói ra một cách đông đảo nhưng không thể giải quyết bằng cách im lặng trước bức xúc của người dân, nhất là liên quan tới vấn đề hệ trọng của tổ quốc. 

Người dân mình, khi đất nước lâm nguy cũng là lúc đoàn kết với nhau nhất, chung sức chung lòng nhất. Đây là cơ hội để nhà nước tập hợp người dân, cùng nhau tập trung giải quyết những vấn đề vận mệnh của đất nước. 

Chính phủ và Quốc hội cần dành thời gian nhiều hơn để bàn bạc về vấn đề này, đề ra các giải pháp tăng cường năng lực tự bảo vệ mình. Từng bộ, ngành cũng có trách nhiệm cụ thể. Bộ Quốc phòng, Nông nghiệp Nông thôn phải làm sao để ngư dân ra biển an toàn, yên tâm sinh sống nơi biển đảo. Bộ Giao thông Vận tải phải làm sao để Vinashin làm ra những con tàu tốt. 

Bộ Công Thương cũng phải có trách nhiệm của mình. Suốt thời gian qua Bộ Công Thương ở đâu mà để thương lái Trung Quốc vào mua hàng hóa ngay trên đất Việt Nam không cần tư cách pháp nhân, không giấy phép và không nộp một xu thuế cho Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước có chịu trách nhiệm gì không, thương lái Trung Quốc vào mua suốt từ Bắc tới Nam thì tiền ở đâu ra mà họ làm được như vậy? Trong khi đó, chúng ta lại nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc. Vấn đề chủ quyền không chỉ dừng lại ở biển đảo, mà cần chú ý tới cả trong đất liền nữa. 

Để giải quyết tất cả 5 thách thức đó, có lẽ cần quay lại những nguyên tắc rất cơ bản của một thể chế tốt. Chúng ta vẫn nói mong muốn xây dựng một nhà nước trong sạch, vững mạnh. Trong sạch thì phải minh bạch, thể hiện ở việc mọi quy định đưa ra phải rõ ràng, không để ai hiểu sai hoặc cố tình hiểu sai, thực hiện sai. Ai cố tình hiểu sai, cố tình thực hiện sai thì phải trừng trị người đó, đấy mới là minh bạch.

Tôi mong Chính phủ mới sẽ tăng cường hơn nữa, yêu cầu cao hơn nữa về trách nhiệm của người đứng đầu trong tất cả các tầng lớp quản lý. Tôi hoan nghênh có những vị đã mạnh dạn đứng ra xin chịu trách nhiệm trước Quốc hội khi để xảy ra vấn đề trong lĩnh vực mình quản lý. Có như vậy mới khôi phục được lòng tin của dân chúng cũng như cộng đồng nhà đầu tư trong nước, quốc tế.
Song Linh- Hoàng Lan ghi
Nguồn: VNE

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét